Gương điển hình

Nghệ nhân đam mê hát then, đàn tính

Mặc dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng Nghệ nhân Nhân dân Lưu Xuân Lai, dân tộc Tày ở xóm Ðồng Uẩn, xã Phúc Chu, huyện Ðịnh Hóa (Thái Nguyên) vẫn đam mê hát then, làm đàn tính. Với kinh nghiệm, sự hiểu biết của mình, ông đã góp phần tích cực bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tày.

Nghệ nhân Nhân dân Lưu Xuân Lai truyền dạy hát then, đàn tính cho học sinh Trường THPT Yên Bình (huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên).
Nghệ nhân Nhân dân Lưu Xuân Lai truyền dạy hát then, đàn tính cho học sinh Trường THPT Yên Bình (huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên).

Hát then, đàn tính là loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc Tày huyện Ðịnh Hóa. Mặc dù cha mẹ không ai thạo hát then, đàn tính, nhưng ngay từ khi còn nhỏ, ông Lai thường xem, nghe các thày Then, thày Pụt đọc, hát các làn điệu văn - then cúng cầu bình yên, cầu phúc tại gia đình mình, hoặc thường đi theo cha mẹ đến các gia đình trong xóm, trong làng để xem, nghe hát then, đàn tính. Ông Lai tâm sự: "Dần dần, những bài văn, then cúng như mạch nước ngầm ngấm dần, thấm dần vào tâm hồn và con người tôi từ lúc nào không hay. Như một lẽ tự nhiên, tôi yêu thích, bắt chước, học thuộc và hát ở bất kỳ lúc nào, ở đâu có thể, có khi hát ngay trong nhà mình, trong lúc lao động trên đồng ruộng, nương rẫy... Lớn lên, sinh hoạt đoàn thanh niên, tôi mạnh dạn tham gia các tiết mục văn nghệ ở làng, xã. Sau này, trưởng thành hơn, tôi được địa phương mời thường xuyên tham gia biểu diễn then cổ trong các hội diễn ở huyện và tỉnh…".

Khi lập gia đình, cuộc sống dù vất vả, nhưng những làn điệu then, điệu lượn cọi, tiếng đàn tính thánh thót càng ăn sâu vào tâm hồn ông Lai. Với mong muốn các con, các cháu thực hành được các giai điệu của dân tộc mình, ông Lai đã tỉ mẩn sưu tầm, ghi chép lại những làn điệu, nghi lễ then cổ để dạy cho lớp trẻ trong xã. Khi địa phương thành lập câu lạc bộ hát then, ông Lai là một trong những người đi đầu, hăng hái tham gia, cùng với các thành viên tập luyện hát then, đàn tính trở nên thuần thục, điêu luyện, cho nên thường xuyên được địa phương mời, cử đi dự các liên hoan hát then ở tỉnh, khu vực và toàn quốc. Liên hoan nào tham dự ông Lai cũng đều được ghi nhận và đạt giải cao. Từ năm 2016 đến 2017, ông Lưu Xuân Lai được cử làm già làng của làng Tày tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Ðồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội). Du khách đến làng được nghe ông Lai giới thiệu về nét văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của dân tộc Tày, được nghe ông hát làn điệu then ngọt ngào với ngón đàn tính điêu luyện.

Với mong muốn văn hóa dân tộc không bị mai một trong cơ chế thị trường, sau nhiều năm dày công tâm huyết sưu tầm, cẩn thận ghi chép lại, đến nay ông Lai đang bảo tồn vốn di sản văn hóa phi vật thể khá đồ sộ với hơn 30 làn điệu then, phong slư, lượn nàng ới, lượn cọi cổ. Bên cạnh đó, ông Lai còn trực tiếp chế tác gần 1.000 chiếc đàn tính cung cấp cho thị trường. Ngoài ra, ông Lai được mời trực tiếp truyền dạy hát then, đánh đàn tính cho hơn 50 lớp học với gần 2.000 người, chủ yếu là học sinh các trường phổ thông trên địa bàn huyện Ðịnh Hóa. Bên cạnh đó, ông Lai còn giúp đỡ hơn mười nghiên cứu sinh làm đề tài khoa học về tín ngưỡng nghi lễ then của đồng bào dân tộc Tày. Ðến nay, nhiều học trò của ông đã trở thành nghệ nhân, hạt nhân hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương, làm cho nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình ngày càng có sức sống trong cộng đồng. Ghi nhận những đóng góp trong việc gìn giữ và bảo tồn văn hóa dân tộc Tày, năm 2019, ông Lưu Xuân Lai đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.