Kon Tum xây dựng thương hiệu mỗi xã một sản phẩm

Từ việc chú trọng thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các xã của huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã xây dựng được 28 sản phẩm, trong đó 23 sản phẩm đạt từ hai đến bốn sao cấp tỉnh. Việc chính quyền và người dân huyện Tu Mơ Rông phát triển các sản phẩm OCOP từ nguồn dược liệu sẵn có đã xây dựng được thương hiệu, nâng tầm giá trị dược liệu bản địa.

Khách hàng tìm hiểu các sản phẩm OCOP của hộ kinh doanh ở xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum).
Khách hàng tìm hiểu các sản phẩm OCOP của hộ kinh doanh ở xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum).

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi thiên tai, dịch bệnh trong năm 2020, thế nhưng huyện đặc biệt khó khăn Tu Mơ Rông vẫn là điểm sáng trong phát triển kinh tế, thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Theo ông Trần Duy Long, cán bộ văn hóa xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, thông qua Chương trình OCOP, người dân đã giới thiệu được một số sản phẩm dược liệu đặc trưng của địa phương như: hồng đẳng sâm (còn gọi là sâm dây), ngũ vị tử, sơn tra… ra thị trường. Từ đó, sản phẩm được quảng bá rộng rãi để người dân trên mọi miền đất nước biết về thông tin sản phẩm, thúc đẩy việc lưu thông, mua bán hàng hóa được thuận lợi, tạo thu nhập cao và ổn định hơn cho bà con. Đây là động lực để người dân tích cực tham gia phát triển sản xuất từ những tư liệu sản xuất sẵn có, đặc trưng của địa phương, xây dựng cuộc sống ngày càng phong phú, giàu có.

Ghé thăm vườn nhà vợ chồng anh A Hiền, làng Đăk Song, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, chúng tôi được anh A Hiền cho biết: “Nhà mình trồng được hai sào hồng đẳng sâm, mỗi năm thu hoạch một lần. Trước đây đến mùa thu hoạch chỉ đào chút một rồi mang đi bán cho nên bị ép giá, bấp bênh, không ổn định. Từ khi tham gia làm OCOP, trồng hồng đẳng sâm có thu nhập hơn hẳn các cây trồng khác. Vụ vừa qua, tôi thu hoạch được một tấn củ, với giá bán 80 nghìn đồng/kg củ tươi, gia đình thu được 80 triệu đồng. Giá thu mua hồng đẳng sâm cao, ổn định đầu ra cho nên vụ vừa rồi tôi đã tìm giống để mua về trồng thêm”. 

Từ định hướng, hỗ trợ của chính quyền xã Tê Xăng và huyện Tu Mơ Rông, hộ kinh doanh Đặng Tuấn Vũ, ở thôn Tân Ba có bốn sản phẩm OCOP thì có ba sản phẩm đạt ba sao cấp tỉnh, gồm: trà túi lọc sâm dây, trà túi lọc ngũ vị tử và sâm dây khô hút chân không. Những củ sâm dây lấm lem đất cát giờ được chế biến sạch, bảo đảm vệ sinh, bao gói, đóng hộp và có dán tem xuất xứ nguồn gốc… thể hiện sự chuyên nghiệp và trách nhiệm đối với sản phẩm. Chị Đặng Thị Kim Cúc (hộ kinh doanh Đặng Tuấn Vũ) cho biết: “Từ ngày tham gia OCOP, chúng tôi đã áp dụng quy trình sản xuất, hướng dẫn bà con mua giống, trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật quy định cho nên hiện tại nguồn nguyên liệu sản xuất ra chất lượng cao hơn so với trước đây rất nhiều. Kỹ thuật canh tác phát triển hơn cho nên chất lượng, sản lượng thu lại cao hơn. Thu nhập của người dân hiện nay cao và ổn định hơn nhiều so với trước do có chỗ thu mua, giá trị kinh tế lâu dài của sản phẩm tăng lên và kinh tế của người dân cũng cao hơn nhiều. Trước đây, bà con chỉ bán củ, nhỏ lẻ, còn hiện tại hộ kinh doanh của mình thu mua tất cả mọi nguyên liệu từ củ, dây đến lá. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tạo việc làm thường xuyên cho từ 20 đến 30 lao động địa phương với thu nhập khoảng 150 nghìn đồng/ngày”.

Mới chỉ cách đây vài năm, ít người nghĩ những sản phẩm thảo dược của vùng này lại có thể được trưng bày một cách trang trọng trên các kệ hàng với bao bì đẹp, bắt mắt trong nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng khắp cả nước. Đây là động lực rất lớn để chính quyền các địa phương trong huyện Tu Mơ Rông nhân rộng mô hình OCOP, thúc đẩy sản xuất, tiếp tục mở rộng diện tích cây dược liệu. Chủ tịch UBND xã Tu Mơ Rông Y Liễu cho biết, từ thực tế và nghiên cứu khí hậu, thổ nhưỡng, chính quyền xã đang vận động người dân bỏ bớt cây sắn, cây bời lời để trồng cây dược liệu. Các loại cây trồng khác thì đầu ra không ổn định, hay gặp phải điệp khúc “được mùa, mất giá”, nhưng cây dược liệu thì không thế. Từ lợi ích kinh tế mà cây dược liệu mang lại, người dân xã Tu Mơ Rông đang rất mong muốn trồng được nhiều hơn nữa cây sâm Ngọc Linh, cây sâm dây, ngũ vị tử… Việc xây dựng thành công các sản phẩm OCOP tạo ra sự thay đổi tích cực trong tư duy lao động sản xuất cũng như thu nhập của người dân địa phương, nâng cao trình độ nhận thức của người dân để từng bước tiếp cận và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất, thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu. Đồng thời, người dân có cơ hội nắm bắt tốt thông tin, nhu cầu thị trường, từ đó khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương cho nên hầu hết các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đều sử dụng nguyên liệu là nguồn dược liệu bản địa. Tu Mơ Rông là huyện duy nhất của toàn tỉnh Kon Tum có hai sản phẩm OCOP bốn sao cấp tỉnh, gồm: trà Sâm Ngọc Linh hòa tan và nước uống Collagen Sâm Ngọc Linh của Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông (Kon Tum) ở làng Ko Xia 2, xã Ngọk Lây. Toàn huyện hiện có khoảng 500 ha sâm Ngọc Linh, trong đó riêng người dân trồng được hơn 23 ha. Với giá thị trường sâm Ngọc Linh tươi khoảng 150 triệu đồng/kg như hiện nay thì ở Tu Mơ Rông không ít người dân đã trở thành triệu phú, tỷ phú. Đến nay, các xã của huyện đã xây dựng được 28 sản phẩm OCOP, trong đó có hai sản phẩm đạt hai sao, 19 sản phẩm đạt ba sao và hai sản phẩm đạt bốn sao cấp tỉnh.
 
Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh cho biết, những năm qua, huyện rất quan tâm trong việc hình thành Chương trình OCOP, từ đó thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất, phát triển dược liệu trên địa bàn. Khi sản phẩm OCOP đạt các tiêu chuẩn cụ thể, các doanh nghiệp tiến hành thu mua chứng minh nguồn gốc sản phẩm, tạo điều kiện cho người dân đẩy mạnh sản xuất và phát triển các sản phẩm dược liệu trên địa bàn. Việc xây dựng sản phẩm OCOP đang là giải pháp tốt nhất để biến tiềm năng dược liệu của huyện thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập của người dân. Đây cũng là tiền đề quan trọng để trong 5 năm tới, huyện Tu Mơ Rông hoàn thành mục tiêu phát triển thêm hơn 3.000 ha cây dược liệu như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 17 đã đề ra.