Ðình Lập đón mùa xuân sớm

Mùa xuân đã về trên khắp bản làng các huyện giáp biên của tỉnh Lạng Sơn. Những vườn đào, vườn mận đã nở hoa khoe sắc. Cuộc sống ấm no đang hiện hữu trong từng mái nhà của bà con các dân tộc Tày, Nùng, Dao... nơi đây.

Người dân xã Ðình Lập chăm sóc giống cây lâm nghiệp.
Người dân xã Ðình Lập chăm sóc giống cây lâm nghiệp.

Xã giáp biên Bắc Xa, huyện Ðình Lập (Lạng Sơn), bạt ngàn mầu xanh của rừng. Ông Kỳ Dùng Phú, ở bản Mạ, nguyên Chủ tịch UBND xã Bắc Xa cho biết: Mấy năm về trước, từ một xã đặc biệt khó khăn, đời sống người dân thiếu thốn trăm bề, bởi bị cô lập giữa núi rừng trùng điệp. Xã thuộc diện "ba không": không đường, không điện, không trạm y tế... Từ trung tâm xã đến huyện hơn 50 km người dân chủ yếu đi bộ, vậy mà nay đường ô-tô, điện lưới quốc gia đã phủ hết tất cả 14 thôn, bản. Bà con vui mừng lắm!".

Chủ tịch UBND xã Bắc Xa Tô Ðức Sơn cho biết: Từ cuối năm 2018, Bắc Xa đã trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ðây là một tin vui không chỉ đối với Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã mà còn là động lực lớn đối với nhiều xã khác trong tỉnh. Có được thành quả này, cũng nhờ những năm gần đây, được Ðảng, Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, điện, trường học, trạm y tế... Từ nguồn vốn Chương trình dự án xóa đói, giảm nghèo, người dân hiến đất làm đường, trường học, góp công sức, xây dựng mô hình kinh tế... Phát huy lợi thế, tiềm năng về đất rừng, trong những năm qua toàn xã đã trồng được hơn 11 nghìn ha rừng thông. Mỗi gia đình trồng từ 10 đến 20 ha rừng thông, hộ nhiều nhất trồng hơn 40 ha... Diện tích đất rừng đã cơ bản phủ xanh; trong đó diện tích rừng cho khai thác nhựa thông chiếm hơn 20%. Mỗi năm xã Bắc Xa xuất khẩu hơn 300 tấn nhựa thông, từ khai thác nhựa thông bình quân một hộ cho thu nhập từ 30 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/năm. Ðến nay, xã không còn hộ đói, nhiều hộ đã xây được nhà kiên cố, mua sắm đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt và con em được đến trường... Anh Chu Văn Tý ở thôn Khuổi Sâu, xã Bắc Xa nói: Nhận thấy nguồn nguyên liệu phong phú, cho nên cuối năm 2018, gia đình tôi đã đầu tư mua máy móc, thiết bị, mở xưởng chế biến gỗ thông, tạo việc làm cho 30 lao động trong thôn, với thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng.

Cũng như Bắc Xa, xã Ðình Lập có hơn 11 nghìn ha đất lâm nghiệp, chiếm 84% diện tích đất tự nhiên. Ðể phát triển kinh tế đồi rừng, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, gồm vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo, chương trình hỗ trợ vay vốn trồng cây lâm nghiệp của UBND tỉnh, vốn hỗ trợ Chương trình 30a của Chính phủ... Hiện nay, tổng dư nợ từ các nguồn vốn trong xã là hơn 40 tỷ đồng, cho hơn 800 hộ vay, trong đó có 80% số hộ vay để trồng rừng. Nhờ được tạo điều kiện vay vốn, nhiều gia đình trong xã Ðình Lập trồng được từ 10 đến 50 ha, hộ trồng nhiều nhất lên đến 70 ha. Năm 2014, tổng diện tích rừng trồng của xã chỉ có hơn 5.000 ha, đến nay đã lên tới 6.700 ha, chủ yếu là rừng thông, nâng tỷ lệ che phủ rừng của xã lên 67%. Bà Hoàng Thị Bích, ở thôn Pò Khoang, xã Ðình Lập chia sẻ: Gia đình tôi trước đây là hộ nghèo, từ năm 1998, tôi trồng 6 ha rừng thông theo dự án Việt - Ðức. Cây thông phát triển tốt, từ đó đến nay mỗi năm gia đình tôi đều trồng thêm từ 2 đến 3 ha, nâng tổng diện tích trồng của gia đình lên hơn 30 ha thông, trong đó 20 ha cho khai thác nhựa thông. Từ năm 2013 đến nay, trung bình mỗi năm gia đình thu từ 10 đến 12 tấn nhựa thông, trừ chi phí cũng cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm, nhờ đó đã thoát nghèo và xây được nhà cửa khang trang. Tại xã Ðình Lập còn có nhiều gia đình nhờ trồng rừng đã thoát nghèo và có thu nhập từ 200 đến 400 triệu đồng/ năm. Phó Chủ tịch UBND xã Ðình Lập Sái Văn Thăng cho biết: Nhờ phát triển kinh tế rừng, hiện thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 11,6%.

Theo Chủ tịch UBND huyện Ðình Lập Lê Văn Thắng, cùng với phát triển các mô hình kinh tế, từ năm 2016 đến 2019, huyện Ðình Lập còn được hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn Chương trình 30a của Chính phủ, Chương trình 135... Từ nguồn vốn này, huyện đã phân bổ cho các xã, hỗ trợ phát triển sản xuất cho hơn 7.800 lượt hộ nghèo và cận nghèo được vay vốn, đầu tư mua phân đạm, phân lân; thức ăn chăn nuôi; xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt...

Cũng từ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện Ðình Lập đã được cấp hơn 134 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng gồm: trường học, nước sinh hoạt, đường giao thông... đến nay đều đã được đưa vào sử dụng. Các công trình này đã góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội đồng thời làm thay đổi diện mạo ở các xã vùng cao, vùng biên giới.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ðình Lập Vi Văn Ðông chia sẻ: Ngược dòng thời gian mới hơn 5 năm về trước, các địa phương trong huyện không có chợ phiên, vì đường giao thông đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt... Nhưng đến nay, 100% số thôn, bản đều có đường ô-tô đến trung tâm xã, đi lại được bốn mùa. Nhờ vậy, giao thương giữa các vùng miền trong huyện giờ đây đã được khơi thông. Nhiều xã trong huyện, vào mùa xuân đã tổ chức được các lễ hội đặc sắc như: Lễ hội Lồng Tồng, Lễ hội hát Sli, Lượn... góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc trong huyện, thu hút đông đảo người dân ở các nơi khác đến tham dự.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn Triệu Văn Lạng cho biết: Ðình Lập là một trong ba huyện nghèo diện 30a của tỉnh Lạng Sơn được sự hỗ trợ từ các Chương trình 30a, Chương trình 135... Xác định rõ những khó khăn về hạ tầng, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đã nỗ lực tìm cách vượt khó xây dựng cuộc sống mới. Ðến nay, đã có 4 trong số 12 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đều đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Trong hai năm tới, Ðình Lập sẽ thoát khỏi diện huyện nghèo, trở thành điểm sáng về xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.