Hà Tĩnh xây dựng nông thôn mới các xã biên giới

Vượt qua những khó khăn do xuất phát điểm thấp, địa hình phức tạp, nguồn lực trong dân hạn chế, các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã nỗ lực tìm hướng đi riêng, từng bước thay đổi nhận thức, khai thác hiệu quả tiềm năng đất rừng, tạo động lực xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các xã vùng cao biên giới.

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh giúp nhân dân xã Hương Vĩnh (Hương Khê) làm đường giao thông nông thôn.
Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh giúp nhân dân xã Hương Vĩnh (Hương Khê) làm đường giao thông nông thôn.

Còn nhớ, năm 2010, khi được cùng tham gia chuyến khảo sát, tôn tạo và tăng dày hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào trên địa phận xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), chúng tôi cảm nhận về diện mạo nông thôn nơi đây khá sơ sài, đời sống của người dân hết sức khó khăn, thu nhập đầu người lúc đó chỉ đạt xấp xỉ tám triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 30%. Bí thư Ðảng ủy xã Sơn Kim 1 Nguyễn Sỹ Luận cho biết, do địa hình phân bố rộng, hệ thống hạ tầng còn thiếu và yếu, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) dân trí thấp, canh tác lạc hậu cho nên vốn dĩ đã nghèo khó lại càng nghèo khó hơn, việc huy động nguồn lực từ trong dân xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, với tâm thế của một địa phương được thụ hưởng chính sách 135 cho nên tính tự giác, tự chủ của người dân còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, cấp ủy và chính quyền địa phương xác định rất rõ vai trò của công tác tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân về ý nghĩa, mục đích của chương trình xây dựng NTM là mấu chốt của vấn đề. "Cùng với việc lựa chọn nhân tố, bám sát cơ sở, được sự hỗ trợ đắc lực của Ðồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, chúng tôi đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện NTM một cách chi tiết, với tinh thần dễ làm trước, khó làm sau, gắn tuyên truyền với sản phẩm đầu ra cụ thể để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân", Bí thư Ðảng ủy xã Sơn Kim 1 cho biết.

Với cách làm đó, từ năm 2010 đến 2014, xã Sơn Kim 1 đã huy động hơn 130 tỷ đồng để quy hoạch, xây dựng khu chăn nuôi tập trung với diện tích 45 ha, xây dựng ba trạm biến áp, 32,6 km đường điện, hơn 20 km đường giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng ba cấp học, trạm y tế, bưu điện đạt chuẩn. Ðồng thời, xây mới, sửa chữa chín nhà văn hóa, trung tâm vui chơi thể thao, ba ki-lô-mét kênh mương thủy lợi, xây mới và chỉnh trang hơn 1.200 nhà ở theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng...

Theo Trưởng thôn Kim Cương (xã Sơn Kim 1) Nguyễn Hữu Thọ, trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, chính quyền địa phương luôn đề cao tính minh bạch, dân chủ, cho nên dù khó khăn đến mấy, người dân vẫn tự nguyện góp sức, ngày công, hiến đất, làm đường... Ðến nay, bà con đã đóng góp hơn 50 tỷ đồng để xây dựng NTM. Hạ tầng giao thông từng bước hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi để người dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Theo thống kê, toàn xã đã xây dựng được 462 mô hình sản xuất, thu nhập bình quân hơn 50 triệu đồng/năm trở lên, trong đó, có 40 mô hình thu nhập từ 100 triệu đến một tỷ đồng/năm.

Nhờ biết chọn hướng đột phá, tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao, năm 2014, Sơn Kim 1 là xã biên giới đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM. Tiếp nối cách làm hay của xã Sơn Kim 1, xã liền kề là Sơn Kim 2, đã phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Nhờ đó, năm 2016, xã Sơn Kim 2 đã trở thành xã biên giới thứ hai trong cả nước được công nhận đạt chuẩn NTM. Ðể đạt được xã NTM, Sơn Kim 2 đã lựa chọn phát triển du lịch cộng đồng, gắn việc phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực với khai thác hiệu quả các tua, tuyến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, góp phần tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở những vùng đất khó khăn này.

Có được kết quả như hôm nay, không thể không nói đến đóng góp của những người lính mang quân hàm xanh - Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Hà Tĩnh. Chính trị viên Ðồn Biên phòng, Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Thượng tá Phạm Duy Vỵ cho biết, sau khi đảm nhận vai trò "bà đỡ" xây dựng NTM tại các địa phương, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với lãnh đạo hai xã Sơn Kim 1 và Sơn Kim 2 tiến hành đánh giá, khảo sát tình hình của địa phương. Sau đó chỉ đạo cụ thể những việc cần làm trước, như cử cán bộ chuyên môn thiết kế và kết hợp với địa phương triển khai. Có thời điểm, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ biên phòng được điều động cùng bà con xây dựng, nâng cấp sửa chữa nhà văn hóa thôn, làm giao thông nông thôn. Ngoài ra, đơn vị còn kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị quyên góp, hỗ trợ hai xã 1,8 tỷ đồng làm đường giao thông; tham gia 2.800 ngày công giúp đỡ làm đường, khuôn viên các công sở và xây nhà văn hóa các thôn; hỗ trợ 1,5 tỷ đồng làm mới và tu sửa lại 17 hội trường của 17 thôn, giúp đỡ các thôn xây dựng các hương ước, quy ước, các thiết chế văn hóa trong thôn...

Đại tá Nguyễn Thái Bình, Phó Chính ủy BÐBP Hà Tĩnh khẳng định, lực lượng BÐBP Hà Tĩnh luôn xác định rõ, xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trong thời bình. Ðây không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm, sự tri ân đối với nhân dân đã thương yêu, giúp đỡ, đồng hành cùng BÐBP trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Sau hơn sáu năm cùng chung sức "đỡ đầu" nhiều địa phương trên tuyến biên giới xây dựng NTM, các chiến sĩ quân hàm xanh vừa cầm súng bảo vệ biên cương vừa là những người thợ nề, công nhân làm đường, xây dựng hàng loạt công trình nhà văn hóa thôn, trường học, trạm y tế và hàng chục ki-lô-mét đường. Chỉ tính riêng ba xã vùng biên là Sơn Kim 1, Sơn Kim 2 (Hương Sơn) và xã Hương Vĩnh (Hương Khê) được BÐBP Hà Tĩnh nhận đỡ đầu xây dựng NTM, đơn vị đã huy động hơn 24.700 ngày công lao động của cán bộ, chiến sĩ và vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ các địa phương hàng chục tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phục vụ dân sinh, phát triển sản xuất, bảo vệ an ninh, chính trị vùng biên giới.