Ðể quýt Phủ Quỳ trở thành cây xóa nghèo

Quýt Phủ Quỳ là giống cây trồng mới được trồng thử nghiệm thành công và trồng nhiều tại vùng đất Phủ Quỳ (Nghệ An). Do đặc tính giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương cho nên quy trình canh tác dễ dàng, chi phí đầu tư thấp mà vẫn cho năng suất, chất lượng cao. Ðể quýt Phủ Quỳ có thể trở thành cây xóa nghèo cho bà con dân tộc thiểu số vùng quê đất đỏ ba-dan ở hai huyện miền núi Quỳ Hợp và Nghĩa Ðàn, chính quyền và người dân cần nỗ lực bảo vệ uy tín, thương hiệu và tìm đầu ra tiêu thụ ổn định.

Huyện đoàn Nghi Lộc (Nghệ An) giúp người dân xã Văn Lợi (huyện Nghi Lộc) đóng gói quýt đưa đi tiêu thụ.
Huyện đoàn Nghi Lộc (Nghệ An) giúp người dân xã Văn Lợi (huyện Nghi Lộc) đóng gói quýt đưa đi tiêu thụ.

Chung tay hỗ trợ tiêu thụ quýt Phủ Quỳ

Quýt Phủ Quỳ có đặc tính dễ bóc, ngọt thanh, mọng nước nhưng do là giống mới, chưa được truyền thông, quảng bá nhiều, từ trước đến nay vẫn chủ yếu là tiêu thụ tại địa phương và các vùng lân cận cho nên chưa nhiều người tiêu dùng biết đến. Năm nay trước bối cảnh đại dịch Covid-19, tình hình tiêu thụ nông sản trong cả nước đều gặp khó khăn, quýt Phủ Quỳ cũng không ngoại lệ. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết hanh khô kéo dài, quýt đến vụ thu hoạch đều đã chín rộ nhưng rất ít thương lái thu mua mặc dù giá rất thấp, khiến người nông dân lo lắng.

Theo Chủ tịch UBND xã Văn Lợi (huyện Quỳ Hợp) Trương Văn Thân, Văn Lợi là xã 135 thuộc vùng sâu của Quỳ Hợp, toàn xã có 52% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện cả xã trồng hơn 130 ha quýt. Năm nay, dù đã vào chính vụ thu hoạch, nhưng người trồng quýt vẫn đang mong mỏi chờ người mua. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn quýt rộng gần một héc-ta, anh Trương Văn Hòe, dân tộc Thổ ở xóm Ðại Thành, xã Văn Lợi cho biết: "Tôi trồng hơn 500 gốc quýt cho năng suất khoảng 60 tấn mà giờ đây vẫn chưa thấy thương lái đến mua. Quýt bắt đầu chín, nếu không bán kịp, quả sẽ rụng dần. Sáng nay, gia đình tôi hái hai tấn quả đầu tiên để bán cho Huyện đoàn Nghi Lộc với giá 3.000 đồng/kg". Cách đấy không xa, ở xóm Bắc Lợi, anh Trương Văn Tư cũng người dân tộc Thổ, đang cùng mọi người hái hai tấn quýt để cho đủ chuyến xe "giải cứu" của Huyện đoàn Nghi Lộc. Gia đình anh Tư trồng 25 sào quýt, ước thu hoạch 78 tấn nay mới bán được hai tấn đầu tiên. Phó Bí thư Ðoàn xã Nghi Hưng (huyện Nghi Lộc) Hoàng Văn Quảng cho biết: "Sau khi được Huyện đoàn Quỳ Hợp đề nghị tiếp sức, hai hôm nay, chúng tôi cùng Ðoàn xã Nghi Ðồng đã góp sức "giải cứu" được tám tấn quýt cho bà con. Thấy quýt rẻ, chất lượng quả ngon, thông qua kết nối của lãnh đạo huyện Quỳ Hợp, các nhà máy may công nghiệp trên địa bàn lân cận cũng đặt mua số lượng lớn để đưa vào khẩu phần ăn trưa cho công nhân…".

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp Quán Vi Giang cho biết: Ðể hỗ trợ bà con tiêu thụ, "giải cứu" quýt Phủ Quỳ, UBND huyện Quỳ Hợp cùng Công ty cổ phần Trang trại nông sản Phủ Quỳ, các xã trọng điểm có sản lượng quýt lớn nhất, đã thành lập Ban vận động Chương trình hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ quýt. Ðể truyền thông điệp này tới người tiêu dùng, Ban vận động đã kêu gọi các cơ quan báo chí và mạng xã hội chung tay cùng vào cuộc. Nhiều tổ chức, cá nhân cũng đã hưởng ứng, tham gia quảng bá và tiêu thụ hàng chục, thậm chí đến hàng trăm tấn quýt cho bà con Quỳ Hợp.

Sau rất nhiều nỗ lực, đến nay, quýt Phủ Quỳ đã bắt đầu có mặt tại một số chuỗi cửa hàng tiêu thụ nông sản sạch tại các đô thị lớn. Chủ tịch UBND xã Minh Hợp (huyện Quỳ Hợp) Nguyễn Văn Dũng phấn khởi cho biết: Ðầu tháng 4, đã có những chuyến xe công-ten-nơ, xe đông lạnh ở các tỉnh phía nam đến địa phương để thu mua quýt số lượng lớn cho bà con. Nhiều vườn còn thông báo giá quýt cũng tăng dần, nhưng nhiều vườn đã có thương lái đến đặt mua với giá từ 10 đến 12 nghìn đồng/kg.

Mong muốn trở thành cây xóa nghèo

Theo tính toán của người trồng, chi phí đầu tư cho quýt thấp, khoảng 20 triệu đồng/ha/năm mà cây không kén đất, dễ trồng, ít sâu bệnh và năng suất lại khá cao, khoảng 17-20 tấn/ha; nếu chăm sóc tốt, đạt 35- 50 tấn/ha, cho thu nhập từ 50 đến 150 triệu đồng/ha, cao hơn hẳn so với trồng mía hay sắn. Và chỉ cần bán với giá hơn 2.000 đồng/kg là đã hòa vốn cho nên người dân ở các huyện miền núi, nhất là bà con dân tộc thiểu số rất thích trồng quýt. Ðến nay, toàn tỉnh Nghệ An đã trồng được 1.524 ha so với quy hoạch là 450 ha, vượt 1.074 ha. Quỳ Hợp và Nghĩa Ðàn, mỗi địa phương trồng hơn 500 ha, số còn lại nằm rải rác ở các huyện miền núi khác. Trong lúc đó, cây quýt chưa có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, lại không có doanh nghiệp nào tham gia chế biến hay bảo quản, cộng với đại dịch Covid-19 cho nên việc tiêu thụ quýt trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn.

Những ai đã từng được thưởng thức loại quýt này đều khẳng định chất lượng của nước quýt là rất ngon, giá lại rẻ. Ðây sẽ là ưu điểm nổi trội để đưa quýt vào thị trường với số lượng lớn. Tuy nhiên, để người dân ở miền tây Nghệ An, trong đó có bà con dân tộc thiểu số yên tâm trồng quýt và xem đây là cây xóa đói, giảm nghèo, trước mắt rất cần sự năng động của người trồng cùng liên kết với các tổ chức, cá nhân để quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ. Về lâu dài, tỉnh Nghệ An cùng các ngành và địa phương liên quan sớm hỗ trợ người trồng quýt xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cùng với đó, tỉnh cần khuyến khích doanh nghiệp đang có dây chuyền chế biến hoa quả trên địa bàn của Công ty CP Nafoods và Tập đoàn TH cùng tham gia thu mua, chế biến quýt; bên cạnh đó tăng cường công tác quản lý quy hoạch, nhất là tại cấp xã. Các vùng không nằm trong quy hoạch thì tuyên truyền, định hướng người dân không trồng tràn lan như trước đây.

Ðối với người trồng quýt, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp Quán Vi Giang, người nông dân cần sản xuất dưới một mô hình có tổ chức như là hợp tác xã, hợp tác; có hướng dẫn bài bản từ khâu trồng, chăm sóc theo quy trình sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Người nông dân có sự chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, bao tiêu đầu ra, được kết nối với hệ thống tiêu thụ, chế biến sản phẩm. Như vậy sẽ không diễn ra tình trạng "mạnh ai nấy làm" và "mạnh ai nấy bán".