Cơ hội phát triển từ lễ hội truyền thống của các dân tộc

Bình Phước là địa phương có 40 dân tộc thiểu số (DTTS) với 195.659 người, chiếm 19,67% số dân toàn tỉnh, tạo nên tính đa dạng về bản sắc văn hóa, nhất là các lễ hội dân gian. Các lễ hội phù hợp thuần phong mỹ tục đã phát huy được giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về mặt đời sống tinh thần cho nhân dân. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được các cấp, các ngành của tỉnh Bình Phước triển khai thực hiện đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Phụ nữ S’tiêng giã gạo nấu cơm lam trong lễ mừng lúa mới.
Phụ nữ S’tiêng giã gạo nấu cơm lam trong lễ mừng lúa mới.

Hiện tại Bình Phước có 107 xã, phường, thị trấn vùng DTTS và miền núi, trong đó 28 xã cuộc sống của người dân còn khó khăn và có đến 10 xã, 51 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lý Trọng Nhân cho biết, trong những năm qua, công tác dân tộc luôn được chính quyền và các đoàn thể quan tâm. Nhiều chính sách hỗ trợ đến được với người dân, giúp cuộc sống của đồng bào có nhiều chuyển biến tích cực. Trong giai đoạn hiện nay, lễ hội của các DTTS không chỉ phát huy được giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo ra cơ hội để mang lại giá trị kinh tế thông qua đẩy mạnh du lịch.

Vào tháng 12 âm lịch hằng năm, đồng bào S’tiêng ở Bình Phước tưng bừng tổ chức lễ hội mừng lúa mới. Ðây là lễ hội lớn nhất trong năm của người S’tiêng để tạ ơn các vị thần linh, đất trời đã phù hộ dân làng sau một mùa vụ bội thu, đồng thời cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Việc tổ chức lễ hội vào thời điểm giáp Tết vừa giúp cho đồng bào có thêm không khí vui xuân, nâng cao đời sống tinh thần, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc S’tiêng. Chúng tôi có dịp được về thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng, một trong ba thôn hiện còn duy trì tổ chức lễ hội mừng lúa mới của huyện biên giới Bù Ðốp. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến đời sống người dân gặp không ít khó khăn, nhưng không khí lễ hội vẫn rất hấp dẫn.

Lễ hội mừng lúa mới của S’tiêng năm nay có sự chung vui của các đơn vị đóng quân trên địa bàn huyện Bù Ðốp, như: Trung đoàn 717 (Binh đoàn 16), các đồn biên phòng của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước… tham gia. Tất cả tạo nên không khí lễ hội vui tươi, đón xuân thêm đầm ấm, nghĩa tình quân dân. Hiện nay, các lễ hội, nhất là lễ mừng lúa mới của người S’tiêng không còn nặng về tín ngưỡng như trước nhưng các nghi thức vẫn được người dân giữ gìn. Sau lễ cúng, già làng là người khai rượu cần, mời khách bắt đầu chung vui với chén rượu cần, cơm lam, thịt nướng, thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc do những chàng trai, cô gái người S’tiêng thể hiện.

Còn đồng bào Khmer ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh lại có lễ hội phá bàu khá đặc sắc, mang nhiều giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc anh em. Theo tục lệ, hội đồng già làng sẽ thực hiện các nghi lễ truyền thống và nghi thức cúng thần linh cầu mưa thuận, gió hòa, cho mùa màng bội thu, cầu cho buổi phá bàu được thuận lợi, bà con thu hoạch được nhiều cá, tôm… Sau đó, đông đảo người dân với các dụng cụ truyền thống thô sơ thi nhau bắt cá. Các sản phẩm bắt được trong lễ hội được chế biến thành những món ăn truyền thống như: Mắm chua được làm từ cá nhỏ và tép, cá hấp lá chuối, cá nướng, cua nướng… Già Lâm Bức, Phó Chủ tịch Hội đồng Già làng xã Lộc Khánh cho biết: "Lễ hội phá bàu được tổ chức vào mùa khô, trước Tết Chôl Chnăm Thmây. Theo quy định của dân làng, bàu nước tự nhiên là tài sản chung của cộng đồng, già làng là người đại diện quản lý. Trong thời gian một năm, khi chưa được phép của già làng, không ai có quyền đánh bắt cá ở bàu. Nếu vi phạm, tùy theo mức độ sẽ bị phạt".

Tại Bình Phước, có nhiều DTTS sống lâu đời như người S’tiêng, M’Nông, Khmer, Châu Mạ với hàng chục lễ hội đặc sắc. Mỗi lễ hội đều có những nét đặc sắc riêng, mang đậm giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc. Ðơn cử như lễ kết bạn giữa người M’Nông và người Châu Mạ ở xã Ðồng Nai là một hoạt động tín ngưỡng dân gian độc đáo chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc, phản ánh đặc trưng văn hóa cộng đồng người M’Nông, Châu Mạ nói riêng và cộng đồng các DTTS sinh sống lâu đời ở vùng đất nam Tây Nguyên nói chung. Lễ hội là dịp để các cộng đồng dân cư cùng sinh sống trên địa bàn thể hiện mối quan hệ gắn bó, tình đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống cũng như trong lao động, sản xuất.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước Ðỗ Minh Trung chia sẻ: "Trong những năm qua, ngành văn hóa đã tổ chức dạy cồng chiêng, tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu, tiến hành sưu tầm các di sản văn hóa phi vật thể, đầu tư bảo tồn nghề thủ công truyền thống. Ngành giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Bởi nếu chỉ bảo tồn mà không khai thác sẽ gây lãng phí, hạn chế phát huy giá trị; nếu chỉ phát huy mà không bảo tồn thì hủy hoại di sản. Chúng tôi đẩy mạnh vai trò của nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, bao gồm đội ngũ quản lý, đội ngũ nghiên cứu, thợ nghề, nghệ nhân, những người bảo vệ di sản ở cơ sở. Bên cạnh đó, liên kết với các đơn vị làm du lịch để họ xây dựng tua, tuyến du lịch về với các lễ hội ở Bình Phước".