Ấm no nhờ rừng

Ðó là lời của ông Vì Văn Khiên, Trưởng bản Mường Pồn 1, xã biên giới Mường Pồn, huyện Ðiện Biên (Ðiện Biên) đã nói khá nhiều lần khi đưa chúng tôi tới thăm khu rừng hơn 405 ha do nhân dân bản Mường Pồn 1 quản lý, chăm sóc. Nhờ nguồn thu ổn định từ tiền dịch vụ môi trường rừng, người dân đã đầu tư vào sản xuất, tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trưởng bản Vì Văn Khiên (ngoài cùng bên phải) cùng thành viên Tổ quản lý, bảo vệ rừng Mường Pồn 1 tuần tra bảo vệ rừng.
Trưởng bản Vì Văn Khiên (ngoài cùng bên phải) cùng thành viên Tổ quản lý, bảo vệ rừng Mường Pồn 1 tuần tra bảo vệ rừng.

Vòng tay ôm những gốc cây có đường kính 40 đến 60 cm trong khu rừng của bản Mường Pồn 1, ông Khiên phấn khởi cho biết: Những cây này quý lắm, giờ trong rừng rất nhiều. Ðúng là không gì bằng chăm sóc và giữ rừng, nhờ rừng dân bản có cây măng, cây nấm lúc giao mùa; cũng nhờ rừng, mỗi gia đình trong bản Mường Pồn 1 có thêm khoản tiền kha khá sắm thêm vật dụng sinh hoạt, có điều kiện cho con cháu học hành tốt hơn. Dẫn chúng tôi đi thăm rừng, ông Khiên kể cho chúng tôi nghe về khu rừng hơn 20 năm trước. Ngày đó, quãng năm 2000, nắng nóng kéo dài ròng rã mấy tháng liền khiến cây rừng chết khô, đâu đâu cũng toàn mầu cỏ úa. Rồi một chiều hè tháng 6, cánh rừng của bản Mường Pồn 1 bốc cháy ngùn ngụt. Sau lần cháy ấy, dân bản đã phân công mỗi gia đình một việc luân phiên vào rừng trồng cây và phát dọn thực bì. Nhờ sự hỗ trợ cây giống của xã, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hạt Kiểm lâm huyện Ðiện Biên, mỗi năm dân bản Mường Pồn 1 đều trồng mới hàng nghìn cây xanh trên khắp khu rừng. Thay đổi rõ rệt nhất là từ năm 2011 khi khu rừng của bản chính thức được chính quyền địa phương cấp sổ giao khoán khoanh nuôi, bảo vệ, hằng năm được trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) giúp người dân có thêm động lực, phương tiện chăm sóc, trồng rừng.

Mỗi năm bản Mường Pồn 1 được chi trả từ 450 đến 500 triệu đồng để chăm sóc, bảo vệ 405,9 ha rừng. Số tiền này chia đều cho từng gia đình trong bản mỗi hộ cũng có thêm gần năm triệu đồng. Ngoài việc động viên các gia đình tích cực chăm sóc bảo vệ rừng, hằng năm Quỹ DVMTR tỉnh Ðiện Biên còn tặng thêm các phần quà cho các em học sinh như: giấy, vở, bút, cặp sách; trang bị thêm quần áo bảo hộ cho các thành viên tổ bảo vệ rừng. Nhờ đó cuộc sống đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây ngày càng thêm ấm no. Gần chục năm nay, người dân trong bản không làm nương nữa mà chỉ tập trung làm lúa nước đủ lương thực cho gia đình. Những khi nông nhàn, người dân vào rừng tìm cây măng, hái nấm với điều kiện có sự giám sát của thành viên tổ quản lý, bảo vệ rừng của bản. “Cả bản có 130 hộ, hiện chỉ còn sáu hộ nghèo. Phấn đấu làm tốt công tác bảo vệ rừng để tăng diện che phủ, tới đây bản Mường Pồn 1 sẽ còn rất ít hộ nghèo”, Trưởng bản Vì Văn Khiên cho biết thêm.

Nói về hoạt động của Tổ quản lý, bảo vệ rừng bản Mường Pồn 1, ông Khiên chia sẻ: Tổ được thành lập từ năm 2012, chia làm bốn nhóm, mỗi nhóm ba người, quản lý từng vùng (tiểu khu) rừng cụ thể được giao. Dưới sự chỉ đạo của xã và cơ quan chức năng (Hạt Kiểm lâm huyện), hằng ngày các thành viên trong tổ luân phiên đi kiểm tra từng cánh rừng. Nếu gia đình nào trong bản có nhu cầu vào rừng hái măng, hái nấm thì phải đăng ký với tổ trưởng trước ba ngày, sau đó đợi tổ trưởng giao cho thành viên đi cùng hướng dẫn thì người dân mới được vào rừng. Theo cách đó, người dân tự giác thực hiện và còn giúp tổ bảo vệ giám sát giữa gia đình này với gia đình khác. Mỗi người dân bản Mường Pồn 1 đều là người giữ rừng bởi ai cũng hiểu lợi ích từ rừng, coi rừng như báu vật chung của bản.