Ðổi thay ở huyện vùng cao Trạm Tấu

Trạm Tấu (Yên Bái) là huyện miền núi, với hơn 77% số dân là đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống, có 11 xã đặc biệt khó khăn, nhưng nhờ sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, đồng bào vùng cao Trạm Tấu đã biết thay đổi tư duy, lựa chọn các phương thức sản xuất phù hợp điều kiện của địa phương. Trạm Tấu đang từng bước "thay da đổi thịt".

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu hướng dẫn người dân chăm sóc rau màu trên đất hai vụ lúa tại xã Hát Lừu.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu hướng dẫn người dân chăm sóc rau màu trên đất hai vụ lúa tại xã Hát Lừu.

"Cứng hóa" giao thông

Chúng tôi đến huyện Trạm Tấu khi người dân đã thu hoạch xong vụ mùa, đang thu gom rơm, cỏ và cây ngô để làm thức ăn cho đàn trâu, bò trong mùa đông lạnh giá. Các tuyến đường về bản xa đang được làm mới, giúp bà con xuống chợ mua bán dịp Tết thuận lợi hơn. Toàn huyện Trạm Tấu hiện có 41 tuyến đường xã, liên xã với hơn 174 km, đường dân sinh hơn 600 km, đến nay kiên cố hóa được 220 km, đạt 24%. Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Trạm Tấu Trần Văn Long cho biết, qua các Chương trình 30a, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện đã tích cực, chủ động, huy động các nguồn lực địa phương xây dựng hệ thống giao thông nông thôn (GTNT). Từ năm 2015 đến nay, Trạm Tấu triển khai đầu tư nâng cấp, kiên cố hóa 55 km đường bê-tông, mở mới gần 52 km đường đất, xây dựng mới ba cầu bê-tông, hai cầu treo, chín cầu dân sinh. Tổng vốn ngân sách nhà nước đầu tư giai đoạn 2015 - 2020 là 246 tỷ 841 triệu đồng; trong đó, nguồn vốn theo các chương trình, dự án là 216 tỷ 461 triệu đồng; vốn hỗ trợ theo Ðề án phát triển GTNT giai đoạn 2016 - 2020 là 30 tỷ 380 triệu đồng, nhân dân đóng góp hơn 25 tỷ đồng.

Nhờ phát huy hiệu quả các nguồn vốn, các chương trình, dự án, đến nay, 11/11 xã có đường ô-tô đến trung tâm xã đi lại được bốn mùa, 21/57 thôn, bản, tổ dân phố có đường kiên cố đến thôn.

Chúng tôi cùng Chủ tịch UBND xã Xà Hồ Giàng A Sáy đi xe máy về bản Tà Ðằng nằm cheo leo trên đỉnh Xà Hồ ở độ cao 1.800 m. Ðây là con đường bê-tông rộng 1 m, dài gần 5 km vừa mới hoàn thành, giúp cho 58 hộ đồng bào dân tộc H’Mông trong bản đi lại thuận tiện, góp thêm niềm vui mới cho bà con. Cách đầu tư công trình GTNT của Trạm Tấu là 60/40 (Nhà nước góp 60% vật liệu đưa đến chân công trình với nơi xe ô-tô chở đến được, nhân dân góp 40%, chủ yếu là giải phóng mặt bằng, công lao động…). Nhờ làm tốt công tác dân vận ngay trong bản, nhiều hộ dân đã hiến đất làm đường, như gia đình ông Sùng A Chờ, hiến 100 m2 đất nương, hộ Sùng A Vàng hiến 100 m2 nương ngô khi mở đường mới. Do dân tự làm, có đoạn nhiều đá tảng chắn lối, không có mìn phá đá, không đủ tiền thuê máy khoan nhồi bột nở, Trưởng bản Sùng A Hành nghĩ cách huy động người dân lấy củi chất đốt liên tục trong mấy ngày, đá bị nung nóng tơi ra, dân dùng xà beng, cuốc chim mở đường vào bản.

Ðặc biệt, cuối tháng 9-2020, tỉnh Yên Bái đã khởi công hai tuyến đường nối quốc lộ 32 với đường tỉnh 174, tuyến nối thị trấn Trạm Tấu với huyện Bắc Yên (Sơn La), tổng mức đầu tư hai dự án hơn 698 tỷ đồng. Công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phá vỡ thế độc đạo của huyện Trạm Tấu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong vùng phát triển du lịch, kinh tế, xã hội…

Xây dựng NTM vùng đặc biệt khó khăn

Chủ tịch UBND xã Hát Lừu Lò Văn Tiếp cùng chúng tôi thăm cánh đồng chuyển đổi lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng cây rau vụ đông tại thôn Vũng Tàu, nằm ngay bên dòng Nậm Hát. Nơi này, cách đây bốn năm, trận lũ quét kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của gần 20 người, toàn bộ ruộng bị đất đá vùi lấp, cầu treo bị lũ cuốn trôi. Nay đã khác, các ruộng rau lên xanh tốt, nhiều hộ dân khấm khá từ việc chuyển trồng lúa sang trồng rau, phục vụ khách du lịch. Hiện toàn xã có 224 ha lúa hai vụ, ngay trong vụ đông này có 12 ha
chuyển sang làm rau xanh và trồng ngô sinh khối bảo đảm thức ăn cho đàn trâu. Anh Lò Văn Ộng, dân tộc Thái, phấn khởi bảo: "Cả bản mình có 58 hộ chuyển đổi làm vụ ba, cho nên đời sống, thu nhập khá hơn trước nhiều. Ðiển hình như các hộ: Hoàng Văn Khít, Hoàng Văn Phong, Hoàng Văn Inh… trước là hộ nghèo, nay chuyển đổi cây trồng đã thoát nghèo bền vững".

Với tổng diện tích hơn 220 ha ruộng, xã Hát Lừu đã vận động chuyển từ cấy một vụ lúa/năm sang cấy hai vụ/năm với nhiều giống lúa cho năng suất, chất lượng cao như: DS1, nếp 87, 305; đưa vào canh tác 20 ha lúa tẻ đỏ với năng suất đạt 45 tạ/ha. Nhờ đó, diện mạo xã vùng cao này thay đổi rõ rệt, thu nhập bình quân của người dân từ 15 triệu đồng nay đạt 36,2 triệu đồng/người/năm. Ðã hình thành hai hợp tác xã và một mô hình liên kết chuỗi sản xuất gắn tiêu thụ nông sản với 11 tổ hợp tác tham gia. Một thành tích nổi bật nữa của xã là tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM đạt gần 160 tỷ đồng; nhân dân đóng góp hơn 17 tỷ đồng đầu tư xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm và thủy lợi. Nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành như bê-tông hóa đường giao thông được hơn 18 km; thủy lợi đã chủ động tưới tiêu phục vụ toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp; 100% số hộ được sử dụng hệ thống điện lưới quốc gia; ba trường học có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 giảm còn 10,58%. Diện mạo nông thôn vùng cao Hát Lừu đã thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Tháng 1-2020, Hát Lừu là xã đầu tiên vùng đặc biệt khó khăn trong huyện đạt chuẩn NTM .

Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu Khang A Chua cho biết, không chỉ xây dựng NTM, Trạm Tấu đã tập trung phát triển các mô hình du lịch cộng đồng. Ðến nay đã có sáu hộ dân và một hợp tác xã hoạt động du lịch homestay bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, cơ bản đáp ứng các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực du lịch. Các hợp tác xã du lịch đã quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch địa phương hấp dẫn du khách như: Tắm suối khoáng nóng bản Lừu, du lịch mạo hiểm săn mây đỉnh Tà Chí Nhù, điểm đến hoa dã quỳ trên đỉnh Cu Vai… Nhờ đó, Trạm Tấu thu hút khoảng 30.000 lượt khách, ước doanh thu từ ngành "công nghiệp không khói" đạt 18 tỷ đồng, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện. Là một trong những huyện nghèo, Trạm Tấu đang biến khó khăn thành lợi thế, hoàn thành và đưa vào khai thác các nhà máy thủy điện Nậm Ðông 3, Nậm Ðông 4, Trạm Tấu, Pá Hu, Hát Lừu hòa lưới điện quốc gia. Làm tốt việc chi trả dịch vụ rừng cho dân, qua đó tăng độ che phủ rừng (đạt hơn 62%), trong đó dưới tán rừng trồng hơn 3.700 ha cây sơn tra (có 1.000 ha cho thu hoạch quả).

Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu Vũ Lê Thành Anh khẳng định: Ổn định dân cư gắn với từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, giảm nghèo nhanh và bền vững, là việc làm thường xuyên, liên tục luôn được Huyện ủy, UBND huyện Trạm Tấu coi trọng. Nhờ có sự đồng tâm, hiệp lực của cả hệ thống chính trị, người dân và các nguồn vốn hỗ trợ, cho nên năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở Trạm Tấu giảm 7,91%, vượt kế hoạch đề ra.

Bài và ảnh: Thanh Sơn