"Luật sư" của làng

Ở thôn Hợp Tân, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn), người dân thường gọi ông Dương Ngọc Thông với cái tên đầy trọng trách: "luật sư" của làng. Bởi từ việc nhỏ đến việc to, người dân trong thôn bản đều tin tưởng tìm đến nhà ông để giãi bày, nhờ tư vấn, giải quyết. Nắm rõ pháp luật của Nhà nước lại gần gũi, sâu sát với đời sống người dân cho nên ông Thông đã khéo léo giải quyết sự việc hợp tình, hợp lý, được bà con tín nhiệm.

Ông Dương Ngọc Thông chăm sóc cây na trong vườn nhà.
Ông Dương Ngọc Thông chăm sóc cây na trong vườn nhà.

Thôn Hợp Tân có hơn 125 hộ, với 652 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Nùng... Những năm gần đây, dù đời sống của người dân trong thôn đã được nâng cao nhưng trình độ dân trí vẫn còn thấp, nhất là hiểu biết về pháp luật. Nhiều vấn đề như: mất an ninh trật tự, nạn trộm cắp vặt, xích mích giữa các hộ dân, tranh chấp đất đai... thường xuyên xảy ra. Anh Hoàng Văn Huyên ở xã Gia Cát chia sẻ: "Do thả rông đàn bò cho nên tôi bị mất một con bò trị giá hơn 50 triệu đồng. Tôi đến nhà ông Dương Ngọc Thông để nhờ tư vấn, giúp đỡ. Ông đã nhiệt tình chỉ bảo, báo cáo sự việc lên lực lượng chức năng của xã. Kết quả là gia đình tôi đã được giải quyết, lấy được con bò". Ðối với những vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, an toàn giao thông; thủ tục giải quyết các vụ việc về chế độ, chính sách của người nhiễm chất độc da cam, chế độ khen thưởng người có công, ông Thông luôn chịu khó tìm hiểu, nắm bắt tình hình trong thôn để tháo gỡ giúp bà con một cách tận tình. Với kinh nghiệm cũng như trách nhiệm của người cao tuổi, người uy tín trong thôn, ông Dương Ngọc Thông trở thành một địa chỉ tin cậy để mọi người trong thôn Hợp Tân tìm đến khi gặp chuyện khúc mắc. Gia đình nào xảy ra những mâu thuẫn, cá nhân nào có những chuyện cần giúp đỡ, ông đều sẵn sàng. Bí quyết của ông chính là tìm hiểu kỹ sự việc trước khi đến giải quyết, nghiên cứu dựa trên pháp luật và luật tục, sau đó sẽ tìm ra phương án giải quyết sao cho hợp lý, hợp tình. Những sự việc tranh chấp trong thôn luôn được ông hỗ trợ hòa giải tại cơ sở, không phải đưa ra pháp luật giải quyết.

Ðã ngoài 70 tuổi, nhưng ông Dương Ngọc Thông liên tục nhiều năm được bà con trong thôn chọn làm người có uy tín. Ông Thông cho biết: "Trước đây làm phóng viên báo Lạng Sơn, được đi nhiều nơi, học hỏi được nhiều kinh nghiệm hay về mô hình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho nên khi về hưu, tôi đã vận động con cháu trong dòng họ, người dân trong thôn phát triển kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo". Bản thân ông đã phát triển mô hình nuôi giun quế, nuôi gà, vịt, đẻ trứng, nuôi chim bồ câu và trồng cây ăn quả như: cây hồng, cây na... Thấy hiệu quả kinh tế cao, nhiều người trong xã đã đến học tập, tìm hiểu, ông tận tình hướng dẫn kinh nghiệm chăn nuôi, cung cấp con giống, tạo điều kiện cho bà con vươn lên thoát nghèo.

Bí thư Ðảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Gia Cát Ðặng Ðức Sơn cho biết: Hằng tháng, ông Thông đều tham gia sinh hoạt chi bộ đầy đủ, có nhiều ý kiến, cùng với cấp ủy chi bộ thôn đề ra các biện pháp nhằm tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện nếp sống văn minh... Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Dương Ngọc Thông đã vận động người dân trong thôn giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng đường làng, ngõ xóm xanh, sạch đẹp; giữ vững an ninh trật tự thôn bản... Nhờ đó thôn Hợp Tân cùng bảy thôn trong xã Gia Cát hoàn thành xây dựng nông thôn mới từ năm 2015.