Xử lý nghiêm hành vi xả rác bừa bãi

Những tuần vừa qua, tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh liên tiếp tổ chức các đợt ra quân tình nguyện làm sạch môi trường như: vớt rác, nạo vét bùn dưới các kênh rạch để khơi thông dòng chảy, trồng cây xanh bảo vệ môi trường thích ứng với sự biến đổi khí hậu,… Đây là hoạt động thường xuyên được các bạn trẻ, đoàn viên, thanh niên các đơn vị, quận, huyện, sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố thực hiện.

Riêng trong mỗi dịp hè, các đợt ra quân cao điểm lại càng được thực hiện với tần suất cao hơn. Với sự nhiệt huyết, tình nguyện xung kích của mình, hàng nghìn bạn trẻ, đoàn viên, thanh niên đã góp phần hồi sinh những con kênh “chết” mang lại mầu xanh cho thành phố. Cứ mỗi dịp cao điểm của các chiến dịch tình nguyện được tổ chức, hàng trăm tuyến kênh, rạch lại được khơi thông. Đó là việc làm rất đáng được biểu dương của những người trẻ, những người đã dành quãng thời gian cuối tuần để thực hiện các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, vì sự trong sạch, văn minh của thành phố nơi họ sinh sống.

Thế nhưng, một thời gian ngắn sau hành động tình nguyện, huy động sự xung kích, tình nguyện của hàng nghìn bạn trẻ đó, dòng chảy lại tắc nghẽn, các tuyến kênh, rạch lại đầy rác. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó là do ý thức của người dân. Thậm chí, để hạn chế và nâng cao ý thức của người dân về việc xả rác bừa bãi tại địa điểm công cộng, cuối năm 2018, Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng đã tổ chức cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh, rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Ngay sau đợt phát động, lãnh đạo Thành ủy, UBND, HĐND, Ủy ban MTTQ thành phố đã trực tiếp xuống vớt rác, khơi thông dòng chảy cho các kênh, rạch. Ngoài ra, các cơ quan chức năng, MTTQ cũng đã thực hiện hàng loạt cuộc vận động, tuyên truyền đến từng người dân. Và để việc xả rác bừa bãi không xảy ra, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp được đưa ra nhằm ngăn người dân xả rác ra đường, kênh, rạch như: lắp đặt ca-mê-ra ở những địa điểm có nguy cơ và thường bị xả rác; triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý nhanh, hiệu quả thông tin phản ánh của người dân qua tin nhắn, hình ảnh, thư điện tử và điện thoại… về tình trạng xả rác. Trong đó, điểm nhấn quan trọng nhất là quy trách nhiệm cụ thể đối với khu phố, ấp, phường, xã, thị trấn nếu để xảy ra tình trạng xả rác ra đường, kênh, rạch; đồng thời xem đó là cơ sở đánh giá thi đua cuối năm các đơn vị nêu trên.

Quy định về xử phạt hành chính đối với các cá nhân, tổ chức vứt rác bừa bãi đã nhiều lần được chính quyền nhắc đến, song do việc triển khai thực hiện chưa thật sự nghiêm minh, cho nên người dân chưa chấp hành nghiêm. Thành phố đang nỗ lực lấy lại môi trường cảnh quan; thực hiện các giải pháp chống ngập một cách hiệu quả. Vì vậy, để mọi thứ đi vào khuôn khổ, những hành vi vứt rác bừa bãi, vô ý thức của người dân cần có chế tài, xử lý một cách rõ ràng, cụ thể để làm gương và tạo thành một cuộc vận động hiệu quả từ phía chính quyền. Đó cũng là cách để mỗi một đợt ra quân vớt rác, khơi thông cống rãnh của các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thành phố không trở nên lãng phí.