Xử lý nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh sản phẩm y tế kém chất lượng

Lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã xảy ra nhiều vụ việc vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa như hàng nhái, hàng gian, hàng giả không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, chống dịch bệnh mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ðầu tháng 4, tại chốt kiểm dịch phía ngoài sân bay Tân Sơn Nhất, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện một ô-tô chở bốn thùng chứa khẩu trang không có nguồn gốc xuất xứ, số lượng lên đến 10.000 cái. Qua làm việc, người chở số hàng nêu trên cho biết, đã mua số khẩu trang này tại một cơ sở sản xuất tại nhà về bán kiếm lời và chính chủ cơ sở sản xuất cũng khai nhận với cơ quan chức năng: "Do nhu cầu tăng cao của người dân về mặt hàng khẩu trang và kính bảo hộ cho nên gia đình mày mò đi mua nguyên liệu, thuê gia công để sản xuất, kinh doanh…". Trung tuần tháng 4, Ðội Quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường thành phố phối hợp Ðội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra một số lô hàng khẩu trang do một Công ty TNHH thương mại có địa chỉ tại phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9 sản xuất. Qua kiểm tra, phát hiện công ty này có dấu hiệu vi phạm hành chính trong sản xuất hàng hóa là khẩu trang có bao bì hàng hóa giả mạo tên, địa chỉ của thương nhân khác và ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện để xử lý theo quy định.

Nắm bắt tình hình khan hiếm các loại dung dịch nước rửa tay sát khuẩn, rửa tay khô trong lúc cao điểm diễn ra dịch Covid-19, một số cá nhân và tổ chức đã tranh thủ tung ra thị trường một số sản phẩm nước rửa tay diệt khuẩn nhưng chất lượng không được cơ quan chức năng kiểm duyệt dù mẫu mã bắt mắt, thậm chí đánh lừa người tiêu dùng bằng những thông tin không rõ ràng, xác thực. Ðiều này dẫn tới hệ lụy, nếu người sử dụng mua phải các sản phẩm kém chất lượng, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Gần đây nhất, Ðội Quản lý thị trường số 8 kiểm tra một công ty mỹ phẩm (ở phường 11, quận Tân Bình), phát hiện công ty này đang sản xuất hàng nghìn chai dung dịch rửa tay sát khuẩn dạng gel không có tên, địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hóa. Cũng liên quan đến mặt hàng này, Ðội Quản lý thị trường số 12 cũng đã kiểm tra một công ty ở phường 5, quận Gò Vấp và phát hiện công ty này đang kinh doanh nước rửa tay diệt khuẩn dạng gel không nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được phép lưu hành… Ðây chỉ là một trong những vụ việc vi phạm điển hình mà người sản xuất và lưu hành hàng hóa có hành vi sản xuất hàng giả, hàng không nhãn mác, giả mạo xuất xứ, một phần nguyên nhân xuất phát từ việc lợi dụng tình hình dịch bệnh và nhu cầu sử dụng sản phẩm phòng, chống dịch tăng cao của người tiêu dùng.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, các cơ quan chức năng cần chủ động công bố rộng rãi thông tin để người tiêu dùng nắm bắt rõ hơn danh mục và đơn vị sản xuất đạt chuẩn được cung cấp các loại sản phẩm thiết yếu hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19, tránh sử dụng sản phẩm nhập nhằng tiêu chuẩn và kém chất lượng. Cùng với đó, ngành y tế cần bố trí các điểm bán khẩu trang vải, nước rửa tay diệt khuẩn hợp chuẩn tránh hiện tượng đầu cơ, thu gom và nâng giá sản phẩm. Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường thành phố cần chủ động phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, các khu vực tập kết hàng hóa, các chợ đầu mối, tuyến đường, kể cả các khu vực giáp ranh với tỉnh lân cận, các cửa ngõ ra vào thành phố để tránh bỏ sót địa bàn; qua đó kịp thời phát hiện hàng hóa kém chất lượng tuồn vào thành phố đến tay người tiêu dùng. Các cơ quan thực thi pháp luật cần tăng chế tài, xử phạt thật nghiêm nhằm tăng tính răn đe đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trong sản xuất hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng.