Xử lý nghiêm các đối tượng đua xe trái phép

Gần đây, nhiều người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cảm thấy bất an trước tình trạng các tuyến đường lớn, huyết mạch bị chặn lại để tổ chức đua xe trái phép. Hành vi này không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự chung mà còn trực tiếp đe dọa sự an toàn tính mạng của nhiều người, kể cả các đối tượng tham gia đua xe trái phép, đồng thời sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý một bộ phận giới trẻ đang trong độ tuổi trưởng thành. 

Mới đây, một tốp “quái xế” hơn trăm đối tượng điều khiển các xe máy đã độ lại bất ngờ chặn các phương tiện đang lưu thông trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình) để đua xe. Mỗi tốp đua chừng ba đến bốn đối tượng phóng xe bạt mạng và không đội nón bảo hiểm. Trước đó, một tốp thanh, thiếu niên đã ngang nhiên chặn đầu ô-tô để đua xe trên đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7). Hành vi chặn xe trên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây để đua xe trái phép mới đây của hàng trăm thanh, thiếu niên càng cho thấy tính chất nghiêm trọng của vấn đề. Sau đó, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án. Tuy nhiên, thay vì sợ hãi, lo lắng, các đối tượng đua xe trái phép lại tiếp tục thể hiện sự coi thường pháp luật. Vụ án đua xe trái phép trên cao tốc vừa bị khởi tố thì một nhóm thanh, thiếu niên khác đã ngang nhiên tụ tập, chặn xe trên đại lộ Nguyễn Văn Linh để đua xe trái phép… 

Theo Điều 34, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt”, thì hành vi đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng và cổ vũ đua xe trái phép có thể bị phạt tới tám triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến năm tháng. Ở mức độ tăng nặng, hành vi này có thể nhận án phạt lên tới 10 năm tù và phạt bổ sung tới 50 triệu đồng. Câu hỏi đặt ra là tại sao vẫn còn không ít đối tượng coi thường pháp luật đến vậy? 

Để ngăn chặn hành vi rất đáng lên án nêu trên, thiết nghĩ, các giải pháp chủ động ngăn chặn thông qua nhiều kênh giáo dục, tuyên truyền đến các thanh, thiếu niên cần được thực hiện thường xuyên, triệt để. Trước tiên là về phía gia đình và nhà trường, nơi có nhiều thời gian tiếp xúc, gần gũi với các em, qua đó chỉ bảo và rèn giũa các em tránh xa những thói quen xấu muốn thể hiện là “anh hùng xa lộ”. Nhà trường cần thường xuyên trau dồi cho các em những kỹ năng cần thiết, ứng xử phù hợp. Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cần thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm lý thanh, thiếu niên để kịp thời có những hỗ trợ, tư vấn giúp các em trưởng thành về mặt nhận thức. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có sự trợ giúp hiệu quả đối với các em có nhu cầu học nghề, tìm việc làm, khởi nghiệp, từ đó giúp các em tránh xa tác động xấu từ xã hội. 

Những nỗ lực, giải pháp ngăn chặn đối tượng tụ tập đua xe trái phép thời gian qua là rất đáng ghi nhận, song để các đối tượng “chùn chân”, biết thượng tôn pháp luật, các cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về khởi tố, ra quân trấn áp thường xuyên liên tục; đồng thời xử lý và quản lý hiệu quả các lò độ xe, nơi gián tiếp giúp cho hành vi đua xe được thực hiện…