Xã hội hóa công tác chống ngập

Dù lãnh đạo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã trả lời rõ ràng rằng người dân không phải chi trả chi phí chống ngập nhưng phương án của Phân viện Kinh tế xây dựng miền nam (đã ban hành định mức và đơn giá chống ngập là 3.668 đồng/m2/tháng) cũng mở ra một hướng mới: xã hội hóa công tác chống ngập, đối tượng áp dụng không phải là người dân mà là các chủ đầu tư xây dựng các công trình làm tắc dòng chảy, bê-tông hóa mặt đất…

Theo tính toán của Sở Xây dựng, giai đoạn 2016 - 2018, để hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu đề ra trong chương trình chống ngập, thành phố cần kinh phí hơn 73 nghìn tỷ đồng, nhưng tổng tất cả nguồn vốn bao gồm được cấp bằng nguồn ngân sách, hỗ trợ từ Trung ương, cổ phần hóa… chỉ được khoảng gần 27 nghìn tỷ đồng, thiếu tới 46 nghìn tỷ đồng. Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, thành phố dự kiến sử dụng hơn 96 nghìn tỷ đồng để chống ngập nhưng nguồn vốn ngân sách chỉ chiếm hơn 16 nghìn tỷ đồng, rất thiếu so với nhu cầu chống ngập cấp bách của thành phố.

Về chủ trương, đã nhiều lần lãnh đạo thành phố khẳng định, việc xây dựng cơ chế thu hút các nguồn lực đầu tư trong thực hiện đề án chống ngập là cần thiết và cấp bách. Mục tiêu quan trọng của thành phố là không để tái ngập nước tại lưu vực trung tâm và một phần của năm lưu vực ngoại vi, rộng 550 ha đã được giải quyết ở giai đoạn 2016 - 2020.

Về cơ chế, các doanh nghiệp (DN) quan tâm đầu tư các dự án chống ngập đều có chung mong muốn lãnh đạo thành phố ban hành cơ chế tài chính đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Hiện tại, việc ban hành đơn giá chống ngập sẽ giúp thành phố và DN có căn cứ để tính toán giá trị đầu tư của các công trình chống ngập. Về lâu dài, thành phố cũng có căn cứ để chế tài đối với các đơn vị là tác nhân gây ngập để có nguồn vốn tái đầu tư vào các dự án chống ngập. Ai cũng biết nguyên nhân gây ra ngập lụt, thế nhưng vấn đề là nguyên nhân gây ngập thì do nhiều phía, nhiều đối tượng. Ngập do lỗi quy hoạch, do san lấp kênh rạch, xả rác bừa bãi đến nén cao ốc vào nội đô, bê-tông hóa từ trên trời cho tới dưới đất khiến việc thoát nước bị ảnh hưởng; hay chuyện buông lỏng quản lý dẫn đến khai thác nước ngầm tràn lan khắp nơi gây sụt lún mặt đất khiến ngập lụt gia tăng… Do vậy, tất cả các đối tượng này đều phải gánh một phần chi phí chống ngập cho thành phố.

Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, thành phố cũng nên kêu gọi các dự án phát triển nhà ở và khu công nghiệp tham gia cùng thành phố trong công tác chống ngập bằng cách đóng góp một phần lợi nhuận cho công tác chống ngập chung khu vực dự án. Không thể để nhà đầu tư thu lợi nhuận từ dự án, còn việc chống ngập thành phố phải gánh chịu. Tuy nhiên, để có thể phát huy và nhân rộng cách làm này, bên cạnh nghĩa vụ, cần phải có những quyền lợi cho các nhà đầu tư gắn liền với công trình chống ngập để khuyến khích họ mạnh dạn đầu tư.

Ðể có thể thực hiện được chủ trương xã hội hóa công tác chống ngập, trước mắt chính quyền thành phố tiếp tục rà soát các công trình đã được cấp phép, đánh giá tác động môi trường và yêu cầu góp chi phí xây dựng công trình chống ngập. Công trình nào chưa xây mà không bảo đảm phương án chống ngập thì tạm ngưng, không cho tiếp tục. Các công trình nhà ở xây dựng mới phải được thiết kế bao gồm cả bể điều tiết nước mưa quy mô hộ gia đình…

Với những giải pháp này, cộng với những dự án chống ngập nghìn tỷ đồng mà thành phố đang đầu tư xây dựng sắp hoàn thành, người dân có thể hoàn toàn tin tưởng, trong tương lai không xa, TP Hồ Chí Minh sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng hoành hành mỗi mùa mưa đến, thật sự trở thành thành phố không chỉ là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước mà còn là nơi đáng sống như Nghị quyết Ðảng bộ thành phố đã đề ra.