Ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý giao thông đô thị

Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh (Sở GTVT) và Công ty TNHH Grab Việt Nam (Grab) vừa ký biên bản hợp tác về xây dựng hệ thống giao thông thông minh, đồng thời triển khai các hình thức hỗ trợ giao thông công cộng tại thành phố.

Theo đó, Grab sẽ chia sẻ thông tin, dữ liệu cho Sở GTVT và cùng phân tích để đưa ra các giải pháp phối hợp xử lý trật tự an toàn giao thông. Từ cơ sở đó, Sở GTVT sẽ tạo cơ sở dữ liệu liên quan đến tình hình giao thông để phục vụ việc phân tích, mô phỏng và dự báo tình hình giao thông trên từng tuyến đường. Hai bên cũng sẽ hợp tác nâng cao trình độ quản lý về ứng dụng khoa học - công nghệ, trong đó Sở GTVT sẽ tạo điều kiện cho Grab cùng tham gia triển khai phương tiện vận chuyển công cộng mới thân thiện với môi trường. Dự kiến cuối năm nay, hai bên sẽ triển khai thí điểm hình thức vận chuyển hành khách bằng xe máy điện tại một số khu vực trung tâm thành phố; đưa phương tiện sử dụng năng lượng điện vào vận tải hành khách công cộng, nghiên cứu phát triển loại hình mi-ni buýt để tăng cường năng lực vận tải hành khách công cộng. Bên cạnh đó, hai bên phối hợp tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về giao thông thông minh, hướng tới xây dựng ý thức sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, vì mục tiêu quy hoạch Ðô thị thông minh của thành phố.

Ðây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh giao thông thành phố đang có nhiều trở ngại. Từ nhiều năm nay, thành phố đã phải đối mặt những thách thức rất lớn ở lĩnh vực giao thông là ùn tắc, trật tự an toàn, ý thức chấp hành pháp luật, tai nạn... Trong đó, tình hình ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, trung tâm thành phố, các cửa ngõ ra vào thành phố. Thời gian qua, thành phố đã nỗ lực và chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần giảm ùn tắc giao thông, tuy nhiên, vẫn còn nhiều mặt hạn chế, chưa theo kịp tốc độ phát triển đô thị. Thực tế này do nhiều nguyên nhân như thiếu vốn đầu tư; vướng mắc về cơ chế đầu tư, về cơ chế phối hợp, về chia sẻ thông tin dữ liệu; chưa có những quy định pháp luật để hướng dẫn triển khai áp dụng cụ thể, nhất là ứng dụng các giải pháp khoa học - công nghệ trong xử lý hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử lý thông qua hình ảnh, dữ liệu giám sát hành trình.

TP Hồ Chí Minh sẽ không thể trở thành đô thị thông minh nếu thiếu hệ thống hạ tầng GTVT hoàn thiện, thông suốt và an toàn. Trước yêu cầu quan trọng đó, ngành GTVT thành phố cần cầu thị hơn nữa, đặt lợi ích chung lên trên hết trong việc đẩy mạnh các hình thức hợp tác công - tư để nhanh chóng giải quyết những bài toán của ngành mình, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của thành phố.

Hình thức hợp tác công - tư sẽ giúp giảm áp lực chi tiêu ngân sách cho đầu tư công và tối ưu hóa hiệu quả đầu tư phát triển. Cùng với đó, ngành GTVT thành phố cần tích cực chuẩn bị, sẵn sàng về chủ trương, chính sách, cơ chế, hạ tầng kỹ thuật, con người; nguồn nhân lực cần được đào tạo bài bản, có năng lực thật sự, có tác phong chuyên nghiệp; xây dựng hành lang pháp lý có tính thực tiễn cao, bảo đảm đón đầu và không bỏ lỡ "chuyến tàu tốc hành" khoa học - công nghệ.