Từ việc dân hiến đất mở đường

Tại một đô thị lớn, sầm uất như TP Hồ Chí Minh thì mỗi tấc đất có giá trị rất lớn. Việc người dân hào sảng hiến một phần đất của gia đình mình đóng góp cho cộng đồng là nghĩa cử rất đáng trân trọng. Hành động ấy của nhiều người dân thành phố gợi lên trong chúng ta suy nghĩ về việc làm thế nào để công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền và các ban, ngành đoàn thể “thấm” vào được lòng người dân?

Một trong những điển hình của việc người dân hiến đất làm đường là tại tuyến hẻm 162 Phan Đăng Lưu, phường 3, quận Phú Nhuận. Tuyến hẻm này trước đây rất hẹp, người dân đi lại khó khăn. Năm 2016, chính quyền sở tại đã kiên trì vận động và nhận được sự đồng tình hiến đất của người dân. Sau khi tuyến hẻm được mở rộng, khu dân cư này có con hẻm rộng rãi, thẳng tắp, giao thông thông suốt. Tương tự, ít người có thể ngờ tuyến hẻm 158/65 đường Phạm Văn Chiêu đoạn tiếp giáp với đường số 9 (phường 9, quận Gò Vấp) trước kia chật chội, cây cối mọc um ùm, phát sinh nhiều bãi rác gây ô nhiễm lại trở nên sạch đẹp, thông thoáng sau khi chính quyền địa phương vận động người dân hiến đất để mở rộng hẻm.

Tại quận 3, địa bàn có giá trị đất thuộc loại cao nhất thành phố nhưng việc hiến đất mở đường, mở hẻm không chỉ xuất hiện ở một vài hộ dân đơn lẻ mà đã trở thành một phong trào chung được nhiều người dân đồng thuận. Đầu tháng 9 vừa qua, có đến 10 tuyến hẻm trên địa bàn quận được khởi công mở rộng khi nhận được sự đồng thuận của người dân. Dự kiến đến hết năm 2019, cả quận 3 có 34 tuyến hẻm được mở rộng với 1.172 hộ dân hiến đất. Tổng diện tích đất hiến hơn 9.300 m2, tương ứng với số tiền gần 445 tỷ đồng.

Vì sao người dân có thể nhẹ nhàng mang một tài sản lớn như thế để đóng góp cho cộng đồng? Thiết nghĩ, để việc này nói riêng và nhiều hoạt động khác cần huy động sức dân nói chung thành công, điều đầu tiên là cán bộ, chính quyền phải thật sự hiểu dân, gần gũi, sâu sát nhân dân. Quá trình phát triển đô thị cần nhiều nguồn lực để đầu tư. Việc mở rộng hẻm là trách nhiệm của Nhà nước, nhưng sự chung tay của người dân sẽ góp phần rất lớn vào sự thành công đó…

Chỉnh trang, phát triển đô thị là một chương trình lớn của thành phố. Việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng từng con hẻm ở các khu dân cư cũng nằm trong tổng thể chương trình đó và sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Trong quá trình thực hiện, cần thể chế hóa cơ chế dân chủ để người dân tham gia hiệu quả vào quá trình chỉnh trang, phát triển đô thị. Muốn vậy, cả hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở phải thật sự sát dân, nắm, hiểu tâm trạng của người dân, của từng hộ gia đình; tôn trọng ý kiến của từng người dân, bảo đảm hài hòa lợi ích chung, riêng.

Mở một tuyến đường, nâng cấp một con hẻm, vấn đề khó nhất là thuyết phục người dân. Để thực hiện thành công, điều cần làm trước tiên là để người dân thấy được lợi ích, trách nhiệm của mình để cùng chia sẻ, cùng tham gia với chính quyền và cả cộng đồng…