Triển khai đồng bộ các giải pháp chống ngập bền vững

Mới bước vào mùa mưa, những trận mưa lớn đầu mùa đã lại gây nên tình trạng ngập úng tại nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố. Nhiều năm qua, thành phố đã triển khai các biện pháp chống ngập, nhưng tình trạng ngập úng khi mưa lớn, triều cường vẫn luôn là nỗi lo lắng, bức xúc của người dân. 
 

Để giải quyết vấn đề này, thành phố đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng các mức độ chống ngập khác nhau. Tuy vậy, đây là các giải pháp đòi hỏi nguồn ngân sách rất lớn. Để tìm ra lời giải bài toán về vốn không thể thực hiện trong thời gian ngắn. Triển khai công tác chống ngập theo hướng xã hội hóa cũng chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư thì nguồn vốn từ ngân sách nhà nước vẫn là vấn đề thành phố cần tính toán kỹ. 

Hiến kế với thành phố trong công tác chống ngập bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh các giải pháp về xây dựng cơ sở kỹ thuật hạ tầng, thành phố có thể tiết kiệm được ngân sách, thời gian mà vẫn thực hiện được mục tiêu chống ngập, đó là triển khai các giải pháp chống ngập thuận tự nhiên. 

Nương theo tự nhiên, giữ và phát huy hiệu quả thoát nước từ hệ thống sông, rạch đang là sự lựa chọn cho giải pháp chống ngập nhanh nhất mà thành phố cần sớm thực hiện. Thông qua việc nạo vét, khơi thông các tuyến kênh, rạch bị bồi lắng, ô nhiễm để tăng khả năng trữ, thoát nước, cải thiện môi trường từ 650 km2 hiện nay lên 2.095 km2 là giải pháp tiết kiệm cho ngân sách, rất cần sớm được thực hiện. Hiện nay, khu vực trung tâm thành phố có 113 km hệ thống cống vòm được xây dựng từ những năm cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 và hơn 777 km đường cống xây dựng từ trước năm 1975. Trên cơ sở phục hồi hệ thống cống có sẵn này cũng sẽ giúp thành phố tăng năng lực chống ngập cho khu vực trung tâm thành phố. 

Việc cải tạo, nạo vét các tuyến kênh, rạch là một trong các giải pháp bền vững giúp chống ngập hiệu quả, thành phố cần bố trí ngân sách để thực hiện theo từng giai đoạn. Những năm qua, thành phố cũng đang nỗ lực triển khai xây dựng các hồ điều tiết, nhưng với tiến độ thực hiện quá chậm, các công trình này chưa thể “hợp sức” với các dự án chống ngập mà thành phố đang triển khai…

Nói đến chống ngập, không thể không nhắc đến công tác tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt những người có hành vi xả rác bừa bãi gây tắc nghẽn cống rãnh. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng ngập úng kéo dài và thêm trầm trọng, nhất là khi mưa lớn kết hợp triều cường. Chế tài xử phạt đối với những hành vi này đã có, tuy nhiên, việc thực thi chưa thật sự quyết liệt, liên tục của chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng khiến những đối tượng kém ý thức “lờn thuốc”, rác thải vẫn bị vứt bỏ tràn lan tại các miệng cống gây tắc nghẽn dòng chảy…

Các giải pháp chống ngập nếu được thực hiện đồng bộ, phù hợp thực tế chắc chắn sẽ góp phần khắc phục đáng kể tình trạng ngập úng của thành phố, một vấn đề bức xúc luôn được người dân quan tâm nhiều năm qua…