Thông tư mới xử những "lình xình" chưa hết cũ

Từ ngày 1-1-2020 Thông tư số 06/2019/TT-BXD của Bộ Xây dựng về công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư có hiệu lực thi hành, kỳ vọng sẽ chấn chỉnh được tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp… đã và đang diễn ra phức tạp giữa người dân và chủ đầu tư các dự án chung cư, nhất là ở địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã xảy ra hàng loạt vụ tranh chấp giữa người dân (chủ căn hộ) và chủ đầu tư các chung cư, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản thành phố (HOREA), toàn thành phố có hơn 100 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau; trong đó có chín chung cư có tranh chấp gay gắt, phức tạp. Phần lớn những tranh chấp liên quan quỹ bảo trì chung cư; dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư; tranh chấp do chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu, bầu Ban quản trị chung cư; tranh chấp phần sở hữu chung trong chung cư (nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, các diện tích có thể kinh doanh cho thuê...); chất lượng xây dựng chung cư, thiết bị, công trình phòng cháy, chữa cháy; chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng cam kết tiến độ, không làm "sổ đỏ" kịp thời cho người mua nhà…

Thực tế cho thấy, trong quá trình quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư đã phát sinh một số vướng mắc như: Ban quản trị chung cư chưa được cấp con dấu; tại không ít chung cư chỉ có một người trong Ban quản trị làm chủ tài khoản dẫn đến tình trạng lạm quyền, lạm chi, trục lợi cá nhân, gây thiệt hại cho cư dân; chưa được xác định rõ trách nhiệm nộp phạt, nguồn tiền nộp phạt khi cơ quan nhà nước, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy xử phạt vi phạm xây dựng đối với phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc vi phạm phòng cháy, chữa cháy; có hiện tượng phần tử ngoài xã hội tìm cách "chui vào" Ban quản trị chung cư để trục lợi cá nhân, làm thiệt hại đến lợi ích của cư dân… Mới đây, tại kỳ họp cuối năm 2019 của HÐND thành phố, một số đại biểu đã bày tỏ sự lo ngại về tình hình tranh chấp, mâu thuẫn ở các chung cư, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng liên quan cần có giải pháp mạnh hơn để giải quyết rốt ráo thực trạng này.

Triển khai thực hiện Thông tư mới, thành phố sẽ thực hiện mô hình ba chân, gồm: cư dân (giữ vai trò trung tâm), Ban quản trị chung cư (chịu trách nhiệm chính), chủ đầu tư (chịu trách nhiệm về chất lượng công trình). Lực lượng chức năng các quận, huyện, phường, xã sẽ giám sát chặt chẽ. Sở Xây dựng thành phố cũng đã ban hành sổ tay hướng dẫn sử dụng, quản lý nhà chung cư và sẽ bổ sung cho phù hợp Thông tư mới. Tuy nhiên, thực tiễn còn nhiều tồn tại, vướng mắc, các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm biện pháp cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải bàn giao quỹ bảo trì chung cư cho Ban quản trị; có biện pháp yêu cầu đơn vị quản lý, vận hành chung cư chứng minh năng lực tài chính để có thể bảo đảm trách nhiệm bồi thường dân sự khi xảy ra các sự cố; có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp chủ đầu tư thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng mà không giải chấp, không được người mua nhà đồng ý; có biện pháp xử lý nghiêm chủ đầu tư cho người dân vào ở khi chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình, không bảo đảm an toàn... Ðặc biệt, cần xem lại quyền biểu quyết hội nghị tòa nhà chung cư được tính theo diện tích sở hữu riêng của chủ sở hữu căn hộ, chủ sở hữu phần diện tích khác trong nhà chung cư theo nguyên tắc 1 m2 diện tích sở hữu riêng tương đương với một phiếu biểu quyết (theo khoản 3 Ðiều 16 của Thông tư mới). Với thực tế hiện nay, chủ đầu tư các dự án chung cư vẫn sở hữu một diện tích lớn (ngoài phần nhà ở bán cho người dân) thì quy định này có nguy cơ tạo điều kiện cho chủ đầu tư lấn át, thao túng các chính sách, nội quy, quy chế hoạt động của chung cư, nguy cơ gây ra những hệ lụy khó lường và hình thành những xung đột mới...