Thay đổi tư duy quy hoạch để giải quyết các vấn đề đô thị

Kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường là những vấn đề nan giải, là áp lực mà TP Hồ Chí Minh đang tìm cách khắc phục. Nguyên nhân đã được phân tích nhiều, hàng loạt giải pháp cũng đã được triển khai. Tuy vậy, vấn đề căn bản nhất vẫn là từ quy hoạch không gian đô thị.

Mỗi năm, TP Hồ Chí Minh tăng dân số cơ học khoảng 250 nghìn người, tương đương dân số một phường. Với tỷ lệ 90% số dân của thành phố "nén" trong một phần ba diện tích, tập trung tại 14 quận nội thành và một vài quận vùng ven, các huyện đô thị hóa nhanh thì khó có giải pháp nào có thể giải quyết triệt để những bất cập nêu trên.

Từ lâu, các nhà khoa học, các chuyên gia quy hoạch đô thị đã chỉ ra, mô hình phát triển đô thị của TP Hồ Chí Minh là mô hình đô thị đơn cực (chỉ có một trung tâm đơn nhất). Mô hình này đã trở nên lạc hậu, quá tải kết cấu hạ tầng và xã hội, quá tải dân số. Thống kê cho thấy, trong khoảng bảy năm trở lại đây, thành phố có tốc độ đô thị hóa rất nhanh nhưng phần lớn diện tích xây dựng lại chủ yếu nằm ở các khu vực chung quanh trung tâm. Các huyện ngoại thành có diện tích rộng lớn như Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ, Bình Chánh lại không phát triển được vì thiếu kết nối, chưa có sức hút về kinh tế để thực hiện mục tiêu giãn dân.

Vậy, đâu là giải pháp để giãn dân cũng đồng nghĩa là giảm tải áp lực hạ tầng tại khu trung tâm thành phố? Theo một số chuyên gia, trước hết, thành phố cần xây dựng một số kết cấu hạ tầng mẫu thí điểm. Thứ hai là dùng công cụ về quy hoạch sử dụng đất và phát triển đô thị. Thứ ba là dùng các chính sách về thuế và trợ cấp để khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư vào những khu vực mà nhà nước mong muốn phát triển.

Thành phố cần sớm hình thành thêm ít nhất một trung tâm để chia sẻ với trung tâm đang có. Bên cạnh đó, phát triển các trung tâm dịch vụ vệ tinh ở bên ngoài trung tâm như bệnh viện, trường học, siêu thị, nhằm thu hút dân cư ra bớt bên ngoài. Cần tính toán quy hoạch lại vành đai nông nghiệp các huyện ngoại thành theo hướng nông nghiệp công nghệ cao với mục đích cung cấp thực phẩm cho thành phố và "giữ chân" nông dân và người dân ở các địa phương khác không chuyển dịch sâu vào nội thành. Khi đó, sẽ tiến hành đầu tư lớn, thu hút nhà đầu tư tập trung vào nông nghiệp để hình thành các trang trại bò sữa, trồng cây ăn trái, cùng các làng nghề truyền thống nhằm phát triển du lịch…

Thay đổi tư duy, điều chỉnh quy hoạch là việc cấp thiết, cần làm để thành phố phát triển một cách bền vững, xứng đáng là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Việc làm này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm phát huy trí tuệ tập thể và ứng dụng công nghệ trong quản lý quy hoạch.

TP Hồ Chí Minh đang huy động sức dân để xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch nhằm thu hút nhà đầu tư, giải quyết quyền lợi cho người dân là việc làm đúng và trúng, được người dân đồng tình,
ủng hộ.