Thận trọng khi sửa đổi, bổ sung khung giá đất

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa gửi văn bản đến Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND thành phố đề xuất một số kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung khung giá đất (mới) cho giai đoạn 2019 - 2024 (khung giá đất hiện nay sẽ hết hiệu lực ngày 29-12-2019). Bất cập lớn nhất trong khung giá đất hiện hành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là thấp hơn nhiều (chỉ khoảng từ 30 đến 50%) so giá đất thực tế trên thị trường. Mức chênh lệch quá lớn không chỉ khiến ngân sách thất thu tiền thuế khi tính giao dịch theo bảng giá đất mà còn bất hợp lý vì không bảo đảm được nguyên tắc định giá đất phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường, theo quy định tại Ðiều 112, Luật Ðất đai.

Thực tế, khung giá đất quá thấp so với giá giao dịch trên thị trường không phải vấn đề mới được đề cập và tranh luận. Ðầu tháng 8-2019, UBND thành phố đã ban hành quyết định quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 trên địa bàn thành phố, trong đó quy định mức giá đất để tính nghĩa vụ tài chính đối với ba tuyến đường Ðồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ là 405 triệu đồng/m2; giá đất của đường Lê Duẩn là 275 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, trên thực tế, mức giá giao dịch của các tuyến đường này đều lên đến cả tỷ đồng/m2, cao gấp nhiều lần so với bảng giá.

Cuối 2018, Cục Thuế thành phố cũng đã kiến nghị UBND thành phố tăng giá đất quy định trong bảng giá nhà, đất lên hai lần so với hiện nay để áp dụng riêng tính thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ trong chuyển quyền sử dụng đất. Theo đơn vị này, giá thực tế giao dịch trên thị trường bình quân cao hơn gấp từ 4 đến 6 lần so với bảng giá do UBND thành phố ban hành. Các trường hợp kê khai giá chuyển nhượng tương đối phù hợp với giá thị trường là cao hơn ba lần so với bảng giá. Do đó, cơ quan thuế kiến nghị UBND thành phố có bảng giá đất dành riêng cho việc tính thuế, phí về nhà đất để tránh thất thu ngân sách. Nếu tăng lên gấp đôi, hằng năm số thu thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ trong hoạt động chuyển nhượng nhà, đất của thành phố tăng thêm hơn 2.000 tỷ đồng.

Trước những bất cập trong khung giá đất hiện hành, HoREA đã đưa ra ba giải pháp trong việc điều chỉnh bảng giá đất mới, trong đó giải pháp tăng khoảng một phần ba mức giá cao nhất so với mức giá hiện nay được nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình ủng hộ. Cụ thể, mức giá cao nhất hiện nay là 215,4 triệu đồng/m2. Khung giá đất thương mại, dịch vụ, giá tối đa là 172,3 triệu đồng/m2. Ðất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ cao nhất 129,2 triệu đồng/m2. Sau khi áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất hằng năm (hệ số khu vực 1 năm 2019 là 2,5 lần), giá đất tương ứng để thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo từng loại kể trên sẽ lần lượt ở mức cao nhất 700 triệu đồng/m2; 559,7 triệu đồng/m2 và 419,7 triệu đồng/m2.

Nếu thực hiện mức tăng này, không chỉ loại trừ được các nhóm lợi ích mua bán, sở hữu đất công, đất nhà nước với giá rẻ (kể cả đem đấu giá), đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, giảm dần các tranh chấp khiếu nại về đất đai đang diễn ra mà còn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tránh lãng phí, thất thoát.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc quy định giá đất ở mức nào sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của người dân khi bảng giá này nhằm các mục tiêu chính như: Tính tiền sử dụng đất khi người dân làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hay chuyển nhượng; tính thuế, phí và lệ phí trong quản lý sử dụng đất, hay các xử phạt vi phạm hành chính; tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai; tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất… Do vậy, thành phố nên cân nhắc, thận trọng, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và sự ổn định của thị trường cũng như quyền lợi của người dân. Phương án tốt nhất là thành phố nên tăng giá đất trong bảng giá đất, nhưng tăng ở mức vừa phải, hợp lý nhất.