Tăng tính chủ động của chính quyền địa phương

Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh vừa được Bộ Nội vụ triển khai, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2021, được kỳ vọng là một bước chuyển về chế độ công vụ, nâng cao tính chủ động của chính quyền địa phương cũng như đòi hỏi sự nỗ lực, tăng tốc phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức. 

Theo Nghị định 33, bộ máy chính quyền TP Hồ Chí Minh tại 16 quận và TP Thủ Đức sẽ chỉ còn một cấp chính quyền là UBND thành phố Hồ Chí Minh, còn UBND cấp quận, phường sẽ trở thành cơ quan hành chính trên địa bàn quận, phường. Vì chỉ là cơ quan hành chính của UBND thành phố Hồ Chí Minh cho nên UBND các quận, phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, chủ tịch UBND quyết định và tự chịu trách nhiệm (một số nhiệm vụ của chủ tịch UBND quận, phường phải được thảo luận tập thể trước khi chủ tịch UBND đưa ra quyết định cuối cùng). Những quy định của Nghị định 33 cũng bảo đảm yêu cầu của tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh là phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý của chính quyền địa phương phù hợp tính chất đặc điểm của đô thị. 

Một quy định cũng góp phần nâng cao tính chủ động trong dịch vụ công là để giảm tình trạng quá tải, giải quyết nhanh công việc của người dân, Chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực bản sao các giấy tờ, chứng thực chữ ký trong các giấy tờ… Như vậy, người dân khi đến phường xin làm thủ tục chứng thực, sao y không còn cảnh ngồi chờ chủ tịch, phó chủ tịch UBND ký tên để đóng dấu vào bản sao. Đó cũng là một cách giảm áp lực giải quyết thủ tục giấy tờ cho người đứng đầu, giảm thời gian chờ đợi, tránh phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Nghị định 33 cũng quy định về bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của UBND quận, phường. Chủ tịch UBND quận, phường định kỳ phải tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân, cộng đồng dân cư, tổ dân phố và gửi kết quả đối thoại đến HĐND, UBND cấp trên. Quy định này rất phù hợp vì một khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, HĐND quận, phường không còn tồn tại thì đòi hỏi người đứng đầu địa phương phải nâng cao tính chủ động trong việc nắm bắt, giải quyết kiến nghị của cử tri, trong đó vai trò lắng nghe, tiếp nhận, giám sát những vấn đề nổi cộm của địa phương thì MTTQ quận, phường phải luôn đi đầu và có sự phối hợp, kết hợp với chính quyền sở tại.

Làm sao để thực hiện hiệu quả những nội dung quy định này để TP Hồ Chí Minh xây dựng chính quyền đô thị theo đúng tinh thần Nghị quyết số 131 của Quốc hội. Cái gốc để giải quyết vấn đề vẫn là cán bộ thực thi công vụ. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Mỗi cán bộ, công chức phải nhận thức được công việc của mình để tự đổi mới, năng động hơn, bản thân cơ quan hành chính cũng phải tiếp tục đổi mới phương pháp làm việc, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra. Lãnh đạo thành phố cam kết sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách để tiếp sức và tạo động lực nhiều hơn nữa cho cán bộ, công chức thi đua sáng tạo, phát huy sở trường, thực thi công vụ…”.

Năm 2021, TP Hồ Chí Minh thực hiện chủ đề “Năm thực hiện chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, khi Nghị định 33 đi vào cuộc sống cũng chính là cơ sở, động lực để chính quyền thành phố quyết liệt đổi mới theo hướng tinh gọn cơ cấu tổ chức của UBND quận, phường; tăng tính chủ động điều hành, giao quyền và tự chịu trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan hành chính quận, phường, góp phần phục vụ nhân dân, thúc đẩy sự phát triển của TP Hồ Chí Minh.