Tăng cường “phạt nguội” vi phạm giao thông

Ngày 30-12-2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (gọi tắt là Nghị định số 100). Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020 và thay thế Nghị định số 46/2016/NÐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Thực tế tại thành phố, qua nửa năm triển khai thực hiện, một số quy định của Nghị định số 100 đã có những tác động tích cực đến ý thức của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông, hạn chế các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông. Ðáng chú ý, trong đó đã hạn chế được tình trạng người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia, là nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, Nghị định mới còn góp phần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước; bảo đảm trật tự an toàn giao thông thể hiện qua các hình thức chế tài nhằm bảo đảm việc người dân nghiêm chỉnh, tự giác thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Ðơn cử như đối với trường hợp có hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (xử phạt vi phạm hành chính qua hình ảnh ca-mê-ra) mà lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý, Phòng CSGT Ðường bộ - đường sắt cũng tiến hành gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm. Ðiều này cho thấy, sự công khai, minh bạch cũng như sự phối hợp đồng bộ trong công tác xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng CSGT và các đơn vị liên quan ngày càng được phát huy. Rõ ràng, chính các trung tâm kiểm định như là một "cánh tay nối dài", phối hợp với lực lượng CSGT để tăng thêm vai trò chế tài, giúp lực lượng công an tăng cường năng lực xử lý vi phạm hành chính; hạn chế được những tồn tại trước đây vì người vi phạm "chây ỳ" thực hiện các quyết định xử phạt hành chính, nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, theo thống kê của Phòng CSGT Ðường bộ - đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã trích xuất được gần 38.000 trường hợp vi phạm từ hệ thống ca-mê-ra. Trong đó, có 10.800 trường hợp thực hiện quyết định xử phạt, đạt tỷ lệ 28,4%; còn 71,6% trường hợp vi phạm bị "phạt nguội" chưa đến thực hiện quyết định xử phạt. Lâu nay, hình thức "phạt nguội" vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn vì quy trình gửi thông báo đến người vi phạm không phải là việc đơn giản do liên quan đến danh tính, chỗ ở, nơi đăng ký thường trú của người vi phạm…

Kết quả này cũng cho thấy, hình thức phạt nguội qua ca-mê-ra nhằm giúp tăng cường việc kiểm tra, xử phạt qua ghi hình vẫn còn là điểm hạn chế của lực lượng CSGT khi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, dù thời gian qua thành phố đã đẩy mạnh các ứng dụng chia sẻ, kết nối hình ảnh về trật tự giao thông giữa ngành công an và các đơn vị chức năng, như Trung tâm điều hành đô thị thông minh, lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải. Ðiều này đòi hỏi, lực lượng CSGT thành phố phải tăng cường hơn nữa công tác phối hợp để phạt nguội, trong đó tăng cường đầu tư các phương tiện kỹ thuật để kết nối với các đơn vị như đăng kiểm, thanh tra giao thông vừa phục vụ hiệu quả xử phạt vừa tăng tính răn đe đối với người vi phạm. Ngoài ra, trong trường hợp các trung tâm kiểm định chậm cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định cũng phải quy trách nhiệm đơn vị, tránh tình trạng du di, tiêu cực…