Tăng cường bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực

Thành ủy TP Hồ Chí Minh vừa có thông tri yêu cầu tăng cường công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ðây là bước đi rất cần thiết nhằm quán triệt và cụ thể hóa Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10-1-2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đồng thời, để khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện những quy định về bảo vệ người tố cáo.

Thời gian qua, bên cạnh mặt tích cực, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở thành phố vẫn còn hạn chế, bất cập. Ðó là, còn tình trạng để lộ thông tin người tố cáo; không ít trường hợp người tố cáo không được bảo vệ; nhiều đơn vị; chưa xử lý nghiêm các hành vi trả thù, trù dập người tố cáo cũng như chưa kịp thời biểu dương, khen thưởng người tố cáo đúng. Hơn nữa, cán bộ, đảng viên và người dân chưa an tâm, ngại tham gia đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên vi phạm… Do vậy, có không ít vụ việc tiêu cực xuất hiện và diễn ra trong thời gian dài ở một số cơ quan, đơn vị nhưng một số cán bộ, nhân viên vẫn không tố giác, đấu tranh dù biết rõ từ lúc manh nha.

Những trở ngại, bất cập nói trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan…, nhất là trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác này. Tiếp đó, là do công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, phát hiện, xử lý hành vi trả thù, trù dập người tố cáo và những vi phạm các quy định về bảo vệ người tố cáo chưa được coi trọng. Bên cạnh đó, không ít người tố cáo không am hiểu pháp luật, cho nên nội dung tố cáo, phản ánh không đúng, lỏng lẻo, dẫn đến không được quan tâm hoặc khó biết đúng hay sai với những vụ sai phạm phức tạp. Trong khi đó, cơ chế xử lý thông tin cũng như bảo vệ người tố cáo hiện chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ cho nên chưa khuyến khích việc tham gia tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ngay tại nơi xảy ra sai phạm.

Từ thực trạng nêu trên, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, nhất là các tội phạm liên quan tham nhũng, cần nhanh chóng hoàn thiện các quy định về bảo vệ người tố cáo; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với công tác bảo vệ người tố cáo; tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra các hành vi trả thù, trù dập người tố cáo. UBND thành phố cần sớm ban hành quy chế mới về bảo vệ và khen thưởng người phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực theo hướng cụ thể, chi tiết, đồng bộ. Trước mắt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị cần nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo bảo vệ người tố cáo thuộc phạm vi phụ trách. Trường hợp buông lỏng lãnh đạo, quản lý, hoặc không làm hết trách nhiệm, dẫn đến người dân, cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi phụ trách bị trả thù, trù dập khi tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thì cần phải chịu trách nhiệm trước cấp trên và bị xử lý trách nhiệm. Cần xem xét cả trách nhiệm người đứng đầu trong “hoạt động tố cáo chống tham nhũng, tiêu cực”, khi nội dung tố cáo không được xử lý hoặc xử lý không rốt ráo thì trách nhiệm thuộc người đứng đầu.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2019/NÐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tố cáo. Trong đó, có các quy định về bảo vệ người tố cáo. Các cơ quan chức năng liên quan cần có tinh thần trách nhiệm cao nhất trong việc thực hiện nghiêm nghị định này là đòi hỏi cấp thiết của người dân.