Sớm xử lý dứt điểm nạn “cò bệnh viện”

Lực lượng cảnh sát hình sự của Công an thành phố vừa bắt giữ 10 nghi phạm có dấu hiệu hoạt động “cò” khám bệnh, chữa bệnh và gây rối trật tự tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình (quận 5).

Đây là những đối tượng tham gia “hỗ trợ” người có nhu cầu khám bệnh nhanh trong việc lấy số thứ tự, mua sổ khám bệnh và đóng tiền khám bệnh, chữa bệnh. Với mỗi trường hợp khám bệnh, các đối tượng này “đút túi” khoảng 50 nghìn đồng/lượt. Tuy nhiên, đáng lo hơn là có một số đối tượng ứng xử như côn đồ, chen lấn, chèn ép người bệnh trong khi xếp hàng để lấy số thứ tự; uy hiếp, đe dọa cả bảo vệ, nhân viên bệnh viện để chen ngang, đi tắt, được khám bệnh trước. Vụ bắt nhóm “cò bệnh viện” này được xem là “phát pháo” khởi đầu trong chiến dịch do lực lượng công an và các bệnh viện phối hợp triển khai nhằm chấn chỉnh an ninh trật tự, xử lý các đối tượng “cò” tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Từ nhiều năm qua, tại nhiều bệnh viện lớn và bệnh viện chuyên khoa ở thành phố, bóng dáng của “cò” trở nên quen thuộc. Không chỉ đưa người bệnh vào khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện, có “cò” còn dẫn dụ người bệnh đi khám bệnh, chữa bệnh ở các phòng khám tư bên ngoài bệnh viện với chi phí đắt đỏ lại không bảo đảm chất lượng.

Tình trạng “cò bệnh viện” tồn tại dai dẳng trong nhiều năm là do nhiều người bệnh có nhu cầu muốn khám bệnh, chữa bệnh nhanh trong bối cảnh phần lớn các bệnh viện uy tín đều bị quá tải. Tiếp đó, “cò” thường tập trung nhắm vào những người ngoại tỉnh lên thành phố để khám, chữa bệnh, thường eo hẹp và hạn chế về quỹ thời gian đi lại. Ðây là đối tượng tiềm năng nhất của “cò bệnh viện” do phần lớn người ở tỉnh thiếu hiểu biết, không rành các thủ tục ở các bệnh viện để có thể được khám bệnh, chữa bệnh nhanh và đạt kết quả như mong muốn. Theo thời gian, hoạt động của “cò bệnh viện” cũng ngày càng tinh vi hơn. Ðể né tránh lực lượng chức năng, “cò” núp bóng dưới dạng xe ôm đứng trước cổng bệnh viện để “đón lõng” những người đi khám bệnh có dấu hiệu ở quê ra. Có “cò bệnh viện” còn in cả danh thiếp có tên, số điện thoại và ghi rõ số điện thoại liên lạc nếu cần khám nhanh. Không dừng lại đó, để có khách hàng, “cò bệnh viện” còn tiếp thị, quảng cáo dịch vụ của mình qua tin nhắn điện thoại; móc nối, ăn chia với các lái xe dịch vụ (đưa người ở tỉnh vào thành phố khám bệnh).

Hoạt động của “cò bệnh viện” gây mất an ninh trật tự trong khu vực trước và trong khuôn viên bệnh viện, gây bất bình trong nhân dân, khiến không ít người bệnh và thân nhân ngộ nhận bệnh viện thiếu khách quan, đối xử không công bằng với người đi khám bệnh. Vì vậy, việc sớm dẹp dứt điểm nạn “cò bệnh viện”, lập lại an ninh trật tự ở các bệnh viện là yêu cầu cấp thiết. Các bệnh viện và ngành y tế cần có những cải cách về thủ tục đăng ký khám bệnh, chữa bệnh sao cho hạn chế được đến mức thấp nhất cơ hội làm ăn của “cò”; đồng thời, có biện pháp giám sát, thường xuyên kiểm tra để phát hiện kịp thời và có giải pháp ngăn ngừa các hành vi của “cò bệnh viện”.

Các bệnh viện cũng cần xử lý nghiêm khắc những nhân viên có hành vi tiêu cực, bắt tay với “cò” để trục lợi. Cùng với đó, các bệnh viện cần hợp tác chặt chẽ với chính quyền, cơ quan công an để triển khai các giải pháp đấu tranh, xử lý “cò bệnh viện” thường xuyên, kiên quyết, lâu dài, tránh kiểu làm “đầu voi đuôi chuột” hay “bắt cóc bỏ dĩa”, qua đó góp phần tạo lập môi trường khám bệnh, chữa bệnh an toàn, công bằng, nhân đạo, văn minh.