Sắp xếp nhân sự hợp lý, hợp tình

Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 - 2021 (đang được lấy ý kiến rộng rãi), thành phố sẽ sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để hình thành đơn vị hành chính mới với tên gọi là thành phố Thủ Đức. Ở cấp xã, thành phố sẽ sắp xếp 19 phường thuộc các quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, sáp nhập các phường để còn lại chín phường. Như vậy, sau sắp xếp, thành phố sẽ còn 21 quận, huyện, một thành phố trực thuộc TP Hồ Chí Minh; 312 đơn vị hành chính cấp xã (giảm ba quận và 10 phường).

Thành phố cũng đã tổ chức lấy ý kiến cử tri ở các quận, phường được sắp xếp một cách nghiêm túc, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, đúng tiến độ. Kết quả lấy ý kiến ở 51 phường thuộc các quận nêu trên cho thấy, bình quân hơn 85% số cử tri đồng ý việc sáp nhập các quận, phường. HĐND các phường, quận dự kiến sáp nhập cũng đã họp tán thành chủ trương thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn. Ngày 12-10 vừa qua, tại kỳ họp thứ 21, HĐND thành phố (khóa 9) đã thông qua nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021 như đã nêu trên.

Như vậy, Đề án đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của phần lớn cử tri. Tuy nhiên, người dân mong muốn HĐND, UBND thành phố và các cơ quan liên quan cần làm rõ hơn nữa những tác động, chuyển biến về kinh tế - xã hội khi thực hiện Đề án này. Nêu rõ được những điểm mới trong tổ chức, bộ máy chính quyền của các đơn vị hành chính mới. Bộ máy chính quyền ở các đơn vị hành chính mới cần phải làm việc hiệu quả cao hơn trước khi sắp xếp; giải quyết nhanh hơn những vấn đề “nóng” của địa bàn, những bức xúc của người dân; nâng cao hơn nữa tỷ lệ người dân hài lòng khi làm thủ tục hành chính.

Chú trọng sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập sao cho công tác phục vụ người dân, nhất là những nhu cầu trong lĩnh vực y tế và giáo dục, không bị gián đoạn mà phải được xử lý, giải quyết liên tục, kịp thời, tốt hơn trước khi sắp xếp. Cần đưa ra giải pháp chuyển đổi giấy tờ hành chính nhanh chóng, thuận tiện, ít phiền hà, ít tốn kém cho người dân…

Để đạt được những đòi hỏi rất cao từ thực tế, công tác nhân sự ở các đơn vị hành chính sau sắp xếp đóng vai trò rất quan trọng, được xem là yếu tố quyết định. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) ở các đơn vị hành chính mới cần phải có đạo đức tốt hơn, năng lực cao hơn và phù hợp yêu cầu phát triển mới. Vì vậy, Đề án cần làm rõ hơn phương án sắp xếp, bố trí nhân sự ở các đơn vị hành chính mới, bảo đảm lựa chọn và bố trí được đúng người, đúng việc.

Cần tổ chức đào tạo lại nhân sự để bảo đảm công việc ở bộ máy hành chính mới được vận hành suôn sẻ, đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của người dân. Đồng thời, có phương án và giải pháp hợp lý, hợp tình đối với những CB, CC, VC thuộc diện dôi dư, tinh giản. Có giải pháp cụ thể về giới thiệu việc làm mới hoặc hỗ trợ đào tạo, bổ túc kiến thức, nghiệp vụ… nhằm giúp bản thân cũng như gia đình những người này sớm ổn định tâm lý và cuộc sống “hậu sáp nhập”. Cùng với đó, cần làm tốt công tác tư tưởng, bảo đảm cả nhân sự được bố trí ở đơn vị hành chính mới lẫn nhân sự tinh giản đều yên tâm, hòa nhập môi trường mới…