Quy định rõ trách nhiệm trong quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè

Nhiều năm qua, công tác kiểm tra, xử lý các hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tại TP Hồ Chí Minh dù được các cơ quan chức năng triển khai liên tục, nhưng hiệu quả chưa đạt được mong muốn. Lòng đường, vỉa hè vẫn bị xâm phạm như: lấn chiếm vỉa hè làm nơi để xe, hàng hóa, bảng hiệu; buôn bán hàng rong; ô-tô dừng đỗ tràn lan tại các tuyến đường có biển báo cấm dừng, đỗ; kinh doanh, mua bán lấn chiếm lòng lề đường, họp chợ tự phát…

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, hàng trăm tuyến đường từ trung tâm thành phố đến các quận vùng ven, huyện ngoại thành đang bị lấn chiếm, phổ biến nhất là phục vụ kinh doanh, buôn bán. Số liệu từ Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho thấy, thành phố hiện có tổng cộng 4.869 tuyến đường có bề rộng từ 5 m trở lên với tổng chiều dài 4.044 km. Có 3.631 tuyến đường có bề rộng lòng đường nhỏ hơn 7,5 m với chiều dài 2.328 km; 1.238 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5 m trở lên với chiều dài 1.716 km. Tính ra có 42,41% chiều dài các tuyến đường có thể xem xét cho phép đậu xe dưới lòng đường. Tuy nhiên, con số thực tế còn cao hơn rất nhiều nếu như các tuyến đường không được quản lý tốt từ cơ quan chức năng.

Để từng bước đưa trật tự lòng đường, vỉa hè đi vào nền nếp, quy củ, tạo bộ mặt khang trang, sạch đẹp cho đô thị, đã đến lúc cần phải sửa đổi những quy định không còn phù hợp thực tế, tạo hành lang pháp lý, cơ chế để các cơ quan chức năng, các địa phương quản lý trật tự lòng lề đường tốt hơn…

Thời gian qua, trật tự lòng lề đường còn phức tạp, nhếch nhác cũng có phần trách nhiệm của các quận, huyện, trong đó có vai trò của người đứng đầu chính quyền. Việc xác định trách nhiệm của chủ tịch UBND các quận, huyện trong việc bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn do mình quản lý là cần thiết. Thành phố cần xem xét xử lý trách nhiệm các lãnh đạo quận, huyện đã để vi phạm trật tự lòng đường, vỉa hè diễn biến phức tạp.

Cùng với đó, xem xét quy hoạch xây dựng chợ mới hoặc bố trí chợ tạm thời tại những vị trí phù hợp, các khu đất trống, để di dời các chợ tự phát. Cần sự vào cuộc của các tổ chức chính trị, đoàn thể nhằm phát huy tốt vai trò vận động, tuyên truyền, giám sát việc quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè. Hiệu quả từ công tác quản lý trật tự lòng lề đường cũng cần được nghiên cứu để đưa vào làm tiêu chí bình xét thi đua tại mỗi địa phương, đơn vị được giao nhiệm vụ…