Phòng ngừa ẩn họa do “căn bệnh” nghiện game trong giới trẻ

IN-TƠ-NÉT mang lại nhiều giá trị, chức năng hiện đại thiết thực cho cuộc sống, trong đó có việc giải trí, tham gia các trò chơi trực tuyến. Tuy nhiên, hình thức giải trí trực tuyến này khi bị lạm dụng quá cũng trở thành con dao hai lưỡi bởi những tác động về tâm sinh lý. Những hệ lụy về gia đình, xã hội đã xảy ra khi một người bị nghiện game online (trò chơi trực tuyến), nhất là đối với giới trẻ.

Nhiều sự việc đau lòng, nhất là các vụ án mạng xảy ra do liên quan đến các đối tượng nghiện game xảy ra thời gian qua đã gióng hồi chuông cảnh báo về loại tội phạm này. Cuối năm 2018, TP Hồ Chí Minh rúng động bởi một vụ án mạng khiến năm người chết mà hung thủ là một thanh niên 18 tuổi có những biểu hiện nghiện game. Tiếp sau nhiều vụ việc đau lòng liên quan đến game như: trẻ bỏ nhà ra đi vì bị gia đình ngăn cấm việc chơi game; số lượng trẻ bỏ học, trốn học, nói dối gia đình để có tiền chơi game cũng phổ biến hơn,…

Căn bệnh nghiện game không chỉ xảy ra đơn lẻ mà đã trở thành căn bệnh thời đại, trong đó, giới trẻ chiếm số lượng rất lớn. Do đó, để giới trẻ không coi game là thú vui giải trí duy nhất, các gia đình, cơ sở giáo dục, các cơ quan chức năng cần trang bị những cách thức để tạo môi trường cho các em tiếp cận, tạo sự cân bằng với cuộc sống; giúp các em hiểu được còn nhiều điều ý nghĩa trong cuộc sống, để các em rời xa màn hình điện thoại, máy tính và các thiết bị điện tử. Từng bước giáo dục các em nhận thức được sự nguy hại của trò chơi điện tử để các em không bị cám dỗ bởi những hình ảnh ảo trên in-tơ-nét. Ðối với những trẻ có biểu hiện nghiện game, gia đình, nhà trường và xã hội cần giáo dục con về tính tự giác, biết chịu trách nhiệm trước những hành động của mình. Quan tâm các mối quan hệ chung quanh của trẻ, gần gũi, lắng nghe những tâm tư, tình cảm để có thể làm bạn và hiểu tâm tư, nguyện vọng của con.

Việc chơi game ở một mức độ giới hạn sẽ giúp trẻ giải tỏa bớt áp lực sau những giờ học căng thẳng. Tuy nhiên, khi cho trẻ sử dụng trò chơi điện tử cần đặt giới hạn về thời gian. Tuyệt đối không dùng game để "thưởng" cho con cái. Tạo môi trường bên ngoài xã hội để trẻ có cơ hội giao lưu, nâng cao kỹ năng sống, kiến thức xã hội. Ðối với những trường hợp trẻ nghiện game, phụ huynh cần kiên trì trong thời gian dài để kéo con trở lại nếp sinh hoạt cũ. Không nên quá cứng nhắc khi trẻ nghiện game, khắc phục hậu quả bằng việc luôn đồng hành cùng với trẻ trong cuộc sống cũng như học tập. Cho trẻ thấy được tình cảm gia đình quan trọng hơn không gian ảo.

Thêm nữa, để quản lý các đơn vị phát triển và phát hành game online, các cơ quan chức năng cần có giải pháp quyết liệt và cứng rắn hơn để chấn chỉnh. Cần buộc các nhà phát hành trong nước tuân thủ các quy định (Nghị định 72/2013/NÐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ in-tơ-nét và Thông tư 24/2014/TT-BTTTT quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng) về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ game online; cần có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát chặt game lậu vào thị trường Việt Nam thông qua các kho ứng dụng trên thiết bị di động hay quảng bá qua các trang mạng xã hội... Ðể đồng hành cùng con, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu in-tơ-nét, các công cụ liên quan và an toàn trực tuyến để kịp thời ứng phó những mối nguy hại, hướng trẻ tìm đến những kênh thông tin an toàn.