Phân loại rác tại nguồn cần đi vào thực chất

Tính đến thời điểm này, Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND thành phố Hồ Chí Minh ngày 14-11-2018 về việc Ban hành Quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã có hiệu lực được chín tháng.

Quy định nêu rõ, rác thải tại các hộ gia đình phải được chủ hộ phân làm ba loại: rác hữu cơ (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); rác tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao-su, ni-lông, thủy tinh) và rác thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại). Các loại rác có thể lưu chứa trong các bao bì, thiết bị phù hợp nhưng được khuyến khích hộ gia đình, chủ nguồn thải sử dụng túi có mầu trắng, mầu xanh để chứa chất thải hữu cơ; sử dụng các loại túi có mầu sắc khác (trừ mầu trắng, mầu xanh) để chứa chất thải còn lại. Việc tổ chức thu gom rác phân loại được thực hiện khác ngày (mỗi ngày thu gom các loại rác khác nhau) và phương tiện chuyên chở phải ghi rõ thu gom chất thải hữu cơ hoặc thu gom chất thải khác.

Mục đích phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là quản lý rác thải chặt chẽ ngay tại nguồn nhằm ngăn ngừa, giảm những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Tuy nhiên, hơn chín tháng kể từ ngày quyết định này có hiệu lực, nhìn chung, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn vẫn chưa có tiến triển tích cực, nếu không muốn nói là “dậm chân tại chỗ”. Dư luận quan tâm đến tính khả thi của chương trình này, khi trước đó thành phố cũng tiên phong phân loại rác tại các hộ gia đình (từ năm 1999 đến 2012) nhưng kết quả mang lại không như ý muốn và dường như bị “vỡ trận” mặc dù kinh phí bỏ ra là không nhỏ.

Vấn đề xử lý rác thải đang là một trong những vấn đề cấp bách của thành phố hiện nay. Việc TP Hồ Chí Minh quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là rất cần thiết và thể hiện quyết tâm giữ môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp. Theo thống kê, mỗi ngày thành phố thải ra khoảng 8.300 tấn rác thải rắn sinh hoạt. Trong đó, 76% được xử lý bằng biện pháp chôn lấp; 15% tái chế nhựa; còn lại là đốt không phát điện. Theo tính toán, nếu phân loại rác tại nguồn thành công, thành phố sẽ tái sử dụng 90 đến 95% khối lượng chất thải rắn, trong đó khoảng 70% dành để tái sinh năng lượng, giúp giảm đáng kể ô nhiễm do mùi và nước rỉ rác từ các bãi chôn lấp.

Để thay đổi thói quen cần cả một quá trình, nhưng các cấp, chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan phải nhanh chóng đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hộ gia đình cho họ hiểu rõ các quy định và từng bước thực hiện. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đi vào quy củ, thực chất.