Nâng cao hiệu lực xử phạt vi phạm trật tự xây dựng

Báo cáo của Sở Xây dựng với Ðoàn đại biểu Quốc hội thành phố vào cuối tháng 2-2020, từ giữa năm 2013 đến hết năm 2019, các cơ quan chức năng liên quan ở thành phố đã ban hành 9.724 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng với tổng số tiền gần 174 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chỉ có gần 4.700 quyết định xử phạt được chấp hành. Trong đó, khoảng 40% số vụ chưa đóng tiền phạt nhưng đã cưỡng chế, 30% chưa cưỡng chế nhưng đã đóng phạt, 30% còn lại chưa thi hành thu tiền và cưỡng chế. Theo Sở Xây dựng, tỷ lệ chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính giai đoạn nêu trên còn thấp, từ năm 2013 - 2017 đạt hơn 55% nhưng giai đoạn từ năm 2018 - 2019, tỷ lệ này chỉ còn dưới 50% tổng số vụ.

Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do các đối tượng vi phạm không có khả năng nộp phạt; việc tháo dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm ảnh hưởng nơi ở, làm việc của đối tượng vi phạm. Cùng với đó, việc cưỡng chế tháo dỡ công trình rất phức tạp, dễ gây mất an ninh trật tự cho nên UBND cấp huyện, xã chưa quyết liệt tổ chức cưỡng chế.

Thực tế cho thấy, trong nhiều năm trở lại đây, nhiều khu vực của thành phố trở thành "điểm nóng" về xây dựng không phép hoặc trái phép. Không chỉ người dân mà còn cả một số cán bộ lãnh đạo cấp huyện, xã và cán bộ chuyên trách lĩnh vực xây dựng cũng vi phạm Do vậy, để chấn chỉnh tình hình này, ngày 25-7-2019, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện chỉ thị này. Nhờ vậy, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đã được kéo giảm. Tuy vậy, do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, nhu cầu về nhà ở của người dân ngày càng lớn, việc xây dựng nhà trái phép hoặc không phép cũng như việc xử phạt chưa thật sự công bằng, kịp thời, nghiêm minh cho nên hiện tượng vi phạm trật tự xây dựng vẫn chưa được xử lý đến nơi đến chốn.

Rõ ràng, việc chậm trễ thi hành hàng nghìn quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng là chuyện không bình thường, cần phải làm rõ và sớm có giải pháp khắc phục. Các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan cần làm rõ nguyên nhân của tình trạng này là do vướng quy định pháp luật, quá trình tổ chức thực hiện chưa tốt hay do "độ vênh" giữa quy định pháp luật và thực tiễn cuộc sống. Nếu có những vướng mắc liên quan quy định pháp luật thì cần nêu rõ để đưa vào nội dung sửa Luật Xây dựng và nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai sắp tới.

Trước mắt, các cấp chính quyền cần có biện pháp và hình thức xử lý thật nghiêm những cán bộ, công chức sai phạm, có tiêu cực trong quá trình thực thi nhiệm vụ, để xảy ra các vụ xây dựng trái phép hoặc không phép để răn đe, phòng ngừa chung. Hơn thế nữa, cần xem xét đưa những hành vi liên quan vi phạm trong trật tự xây dựng ra khởi tố hình sự để tăng mức độ răn đe. Ðiều này sẽ càng làm tăng tính nghiêm minh và công bằng của pháp luật, giúp lập lại nền nếp trong lĩnh vực xây dựng, đồng thời củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền và các cơ quan thi hành công vụ.