Một miếng khi đói…

Để kịp thời chia sẻ khó khăn với người dân miền trung bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, cùng với cả nước người dân TP Hồ Chí Minh đã chung tay cứu trợ bằng nhiều việc làm nghĩa tình, thiết thực. Các chương trình, hoạt động cứu trợ đồng bào bị bão, lũ diễn ra rộng khắp từ các đơn vị, tổ chức, đoàn thể thành phố cho đến khu dân cư, khu phố, các cá nhân, các nhà hảo tâm..., đã thể hiện truyền thống quý báu của dân tộc “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”… 

Đó là những chiếc bánh chưng, bánh tét được người dân ở các khu phố tận tay gói gửi ra vùng lũ, những phần quà là nhu yếu phẩm cần thiết như mì ăn liền, gạo, đường, quần áo được từng nhóm từ thiện trao tận tay đến các hộ dân ở vùng lũ bị cô lập. Hình ảnh quyên góp, hỗ trợ cũng hết sức thân thương là các chị ở Hội phụ nữ phường may khẩu trang, chăn đắp để  hỗ trợ cho người dân vùng bão, lũ do bị mất hết  các vật dụng sinh hoạt hằng ngày. Trong số những cá nhân tham gia ủng hộ, cứu trợ có thể kể đến các văn nghệ sĩ trẻ với số tiền kêu gọi quyên góp lên đến hàng trăm tỷ đồng, tạo sự lan tỏa tích cực trong xã hội. Nhiều trường đại học, cao đẳng ở  thành phố đã quyết định miễn giảm học phí cho sinh viên ở các  khu vực bị ảnh hưởng của bão, lũ; qua đó, chia sẻ phần nào khó khăn với các gia đình có con em đang học tập tại thành phố... Không thể kể hết những nghĩa cử tốt đẹp, những hành động đầy ý nghĩa của các đơn vị, cá nhân và người dân thành phố đối với bà con miền trung đang gặp quá nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ gây ra. Bởi tất cả sự tương trợ đều xuất phát từ đạo lý của dân tộc “Lá lành đùm lá rách”. 

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, qua một số đợt hỗ trợ và quyên góp gần đây đã xuất hiện không ít hiện tượng tiêu cực, lợi dụng lòng tốt để trục lợi như ăn chặn, chiếm đoạt tiền hỗ trợ của người dân, gia đình những người được hỗ trợ; lợi dụng mạng xã hội để đăng tải và kêu gọi tiếp nhận thông tin hỗ trợ nhưng không sử dụng số tiền quyên góp vào mục đích hỗ trợ; sử dụng hình ảnh của một số cơ quan truyền thông tuyên truyền về hỗ trợ bà con vùng lũ lụt vào mục đích  thu hút sự quan tâm, khoe hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội… Đây chính là mặt trái của việc hỗ trợ, quyên góp cần được các cá nhân, tổ chức cảnh giác, phòng ngừa để có hình thức hỗ trợ hiệu quả, đúng người đúng việc, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng.

Ở một góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ nên xem xét việc sửa đổi Nghị định 64 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo theo hướng xã hội hóa công tác cứu trợ trong tình huống khẩn cấp. Bởi trên thực tế, ngoài công tác vận động, cứu trợ do các địa phương, tổ chức, đoàn thể, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện phát động và thực hiện thì nhiều năm qua vai trò tham gia cứu trợ, đứng ra tổ chức vận động của cá nhân, tổ chức doanh nghiệp trong xã hội là nguồn lực rất dồi dào và cần thiết. Vì vậy, các đối tượng tham gia cứu trợ không nên bị giới hạn mà cần được mở rộng, khuyến khích và tạo mọi điều kiện để phát huy tính cộng đồng trong xã hội, miễn là bảo đảm  mục đích thiện nguyện, quy củ, tuân thủ pháp luật. Và một khi công tác vận động, hỗ trợ quyên góp nhằm khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn được xã hội hóa cũng chính là cách để tạo nguồn lực cùng với Nhà nước, Chính phủ, chính quyền các cấp chung tay chăm lo cho những gia đình, cá nhân gặp khó khăn do thiên tai, bão lũ, tránh tình trạng chồng chéo khi cùng lúc có nhiều cá nhân thực hiện các hoạt động hỗ trợ tự phát.

Cùng với đó, các cấp các ngành cần tạo ra cơ chế để nâng cao chất  lượng hoạt động của các tổ chức, đoàn thể như Hội Chữ thập đỏ, MTTQ... trong việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện, từ đó sẽ hoạt động hiệu quả  hơn, tạo ra niềm tin, thu hút được nguồn lực từ xã hội nhiều hơn...