Huy động nguồn lực xã hội lắp đặt điện mặt trời

Cuối tháng 4 vừa qua, Công ty Ðiện lực Sài Gòn thuộc Tổng Công ty Ðiện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã tiến hành ký hợp đồng mua bán điện với 49 khách hàng lắp đặt điện mặt trời (ÐMT) áp mái trên địa bàn quận 1, quận 3. Hợp đồng có hiệu lực từ tháng 5-2019.

Theo hướng dẫn của Bộ Công thương, các hợp đồng mua bán ÐMT vận hành thương mại trước ngày 1-7-2019 là 9,35 cents/kWgiờ, thời hạn hợp đồng có giá trị 20 năm. Do chênh lệch tỷ giá USD so với đồng Việt Nam, đơn vị điện lực chia các thời điểm mua ÐMT với mức giá khác nhau. Theo đó, dự án ÐMT vận hành trước ngày 1-1-2018 có giá mua điện là 2.086 đồng/kWgiờ. Trong năm 2018, giá mua điện là 2.096 đồng/kWgiờ; năm 2019, giá mua điện là 2.134 đồng/kWgiờ. Kể từ năm 2020 và các năm tiếp theo, giá mua điện tính theo sự chênh lệch tỷ giá từng năm cụ thể.

Ngành điện sẽ chi trả tiền điện thông qua hình thức chuyển khoản hằng tháng cho khách hàng. Về cách xác định thuế VAT, đối với doanh nghiệp có phát hành hóa đơn, đơn vị lắp đặt khai thuế bằng phương pháp khấu trừ 10%. Trường hợp đơn vị lắp đặt kê khai thuế trực tiếp trên thuế VAT thì nộp 2% trên doanh thu. Riêng trường hợp hộ gia đình không phát hành hóa đơn, nếu mức doanh thu hơn 100 triệu đồng/năm được áp dụng mức thuế 2%, còn doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì không phải chịu thuế. Hợp đồng là cơ sở để ngành điện thanh toán tiền điện cho khách hàng đã lắp đặt ÐMT áp mái có sản lượng điện dư bán lại.

Ðể thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, các công ty điện lực tổ chức tiếp nhận đăng ký nhu cầu lắp đặt ÐMT qua nhiều hình thức như điện thoại, thư điện tử, tin nhắn trên mạng xã hội, tin nhắn điện tử trên in-tơ-nét… Chủ đầu tư, hộ gia đình chỉ cần gửi hồ sơ đề nghị bán điện về công ty điện lực trước ba ngày so với thời gian hoàn thành dự án. Trong vòng ba ngày kể từ khi tiếp nhận đề nghị bán điện của chủ đầu tư, công ty điện lực phải hoàn thành việc kiểm tra các thông số kỹ thuật của dự án và ký kết hợp đồng mua bán điện với chủ đầu tư hay hộ gia đình. Sau khi lắp đặt hệ thống ÐMT, chủ đầu tư, hộ gia đình có nhu cầu hòa lưới điện quốc gia, bán phần điện dư cho ngành điện, chỉ cần liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng của EVNHCMC để được hỗ trợ kiểm tra điều kiện hòa lưới điện và lắp điện kế hai chiều.

Với thủ tục tháo gỡ vướng mắc cơ chế thanh toán tiền điện và nhiều điều thuận lợi như đã nêu, hứa hẹn việc phát triển ÐMT áp mái trên địa bàn thành phố sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 1.432 công trình lắp đặt ÐMT áp mái với tổng công suất là 17,46 MWp. Từ tháng 5 này, lượng điện ghi nhận đã bán trước đó chưa thanh toán sẽ được thanh toán.

TP Hồ Chí Minh hiện có tiềm năng phát triển ÐMT rất thuận lợi, nhất là tại các khu chế xuất, khu công nghiệp do khu vực này có nhiều nhà xưởng sở hữu mặt bằng mái rộng, thích hợp lắp đặt hệ thống ÐMT. Mặt khác, giá thành lắp đặt hệ thống ÐMT áp mái đã giảm mạnh và nguồn điện này dễ dàng hòa lưới điện chung. Mục tiêu của EVNHCMC trong năm 2019 sẽ vận động khách hàng lắp đặt 50 MW đến 80 MW, cần có kinh phí từ 1.000 tỷ đồng đến 1.500 tỷ đồng.

Với cơ chế mua bán điện linh hoạt và nhiều điều kiện thuận lợi khác, hy vọng sẽ huy động được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư lắp đặt ÐMT áp mái…