Hiện đại hóa mạng lưới quan trắc môi trường không khí

Mặc dù công tác quan trắc môi trường luôn được thành phố xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhưng hệ thống quan trắc môi trường của thành phố hiện chưa được đầu tư tương xứng với nhu cầu của một đô thị đặc biệt. Mạng lưới và phương pháp quan trắc môi trường phần lớn là thủ công, gián đoạn cho nên số liệu chưa được cập nhật kịp thời, ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung cấp thông tin, công tác xử lý, cảnh báo ô nhiễm môi trường…

Những ngày giữa tháng 12-2020, bầu trời thành phố phủ sương mù dày đặc đến nỗi che khuất nhiều nóc nhà cao tầng. Hiện tượng này diễn ra trong suốt mấy ngày, nhưng người dân không nhận được cảnh báo nguyên nhân hay thông tin các thông số quan trắc môi trường không khí cho nên rất mù mờ về những diễn biến bất thường của thời tiết để phòng tránh tác hại. Trước đó một năm, vào cuối tháng 9, đầu tháng 10-2019, thành phố cũng xuất hiện tình trạng mù sương dày đặc, xảy ra liên tục trong nhiều ngày, khiến người dân hoang mang, lo ngại về chất lượng không khí; đồng thời xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau của các nhà khoa học, nhà quản lý về hiện tượng này. Vậy mà, sau mười ngày, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) thành phố mới công bố nguyên nhân chính thức của tình trạng này là hiện tượng mù quang hóa (hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ làm tăng cường hiện tượng đảo nhiệt thường xảy ra định kỳ hằng năm vào khoảng tháng 9, 10; kết hợp với độ ẩm trong không khí cao gây tích tụ ngưng kết các chất ô nhiễm sẵn có trong không khí).

Theo Bộ TN và MT, cùng với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là đô thị có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất nước. Nhiều thời điểm, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được chạm ngưỡng báo động. Tình trạng này do TP Hồ Chí Minh hiện có gần chín triệu phương tiện cá nhân lưu thông. Cạnh đó là khí thải từ các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp, bụi từ các công trình xây dựng… khiến tình trạng ô nhiễm không khí càng diễn ra nghiêm trọng.

Thành phố hiện có 30 điểm quan trắc môi trường không khí bằng phương pháp thủ công gián đoạn. Giải pháp này phải tốn nhiều thời gian mới có kết quả cho nên việc công bố thông tin thường bị chậm trễ so với yêu cầu. Hai trạm quan trắc không khí tự động đầu tiên của thành phố tại quận 9 và quận Bình Tân cũng đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm. Khi chưa có hệ thống quan trắc môi trường hiện đại và đồng bộ, thành phố trông chờ vào giải pháp ngắn hạn là khai thác tối đa hệ thống quan trắc thủ công hiện hữu bằng cách tăng tần suất quan trắc và ứng dụng các giải pháp công nghệ hỗ trợ khác.

Từ bất cập này, tháng 5-2020, UBND thành phố đã phê duyệt điều chỉnh Ðề án "Phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TP Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ đầu tư kinh phí hơn 500 tỷ đồng để hoàn thiện 344 vị trí quan trắc thủ công gián đoạn và 36 trạm quan trắc tự động, liên tục. Mạng lưới quan trắc đủ các thành phần: Chất lượng không khí; phóng xạ trong không khí; nước sông Sài Gòn - Ðồng Nai; nước kênh rạch; nước dưới đất; nước ven bờ; chất lượng đất; thủy văn; chất lượng nước mưa; thủy sinh; sụt lún mặt đất; các bãi chôn lấp và khu liên hợp xử lý chất thải rắn…

Để việc triển khai đề án hiệu quả, kịp tiến độ, thành phố cần tính toán, đánh giá các khu vực bị tác động ô nhiễm, khu vực có mật độ dân cư cao… để đặt các trạm quan trắc môi trường không khí. Giải quyết những vướng mắc trong công tác giải tỏa mặt bằng để xây dựng các trạm quan trắc môi trường không khí. Thành phố cần tổ chức cung cấp thường xuyên, liên tục các số liệu quan trắc có ảnh hưởng đến sức khỏe để người dân theo dõi, có biện pháp bảo vệ sức khỏe. Ðồng thời, thành phố cũng nghiên cứu thật kỹ khi lựa chọn thiết bị công nghệ quan trắc phải bảo đảm tính hiện đại, đồng bộ và tương thích với hệ thống trạm quan trắc tự động quốc gia để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và xử lý thông tin môi trường.