Gỡ "nút thắt" trong giải phóng mặt bằng

Giải phóng mặt bằng (GPMB) đang là trở ngại lớn nhất khi thực hiện các dự án hạ tầng trọng điểm tại nhiều địa phương. Ðây cũng chính là "nút thắt" khiến hàng loạt dự án giao thông trọng điểm của TP Hồ Chí Minh chậm tiến độ, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, đội vốn đầu tư; thậm chí không đạt mục tiêu đầu tư, kết nối giao thông để giải quyết tình trạng kẹt xe, ô nhiễm môi trường...

Một trong những nguyên nhân là đơn giá bồi thường theo các quy định hiện hành chưa bám sát giá thị trường. Giá bồi thường thấp hơn rất nhiều so với giá giao dịch trên thị trường, nhất là khi so sánh giữa giá do thành phố đưa ra và đơn giá do nhà đầu tư tự thương lượng tại các dự án lân cận, khiến người dân thấy việc bồi thường không thỏa đáng và khiếu kiện hết sức phức tạp. Ðơn giá bồi thường theo quy định cũng chưa bám sát hết các thiệt hại mà người dân phải gánh chịu, chỉ tập trung vào tính toán giá bồi thường về đất. Trong khi đó, khi thay đổi chỗ ở mới, người dân thường mất kế sinh nhai, mọi sinh hoạt của gia đình họ bị xáo trộn… thì chưa được tính đúng, tính đủ.

Chính sách bố trí tái định cư cho dân cũng khiến công tác bồi thường GPMB diễn ra chậm. Nguyên tắc chính của bồi thường là để người dân tạo chỗ ở mới, đối với những trường hợp không đủ điều kiện thì mua nhà ở xã hội. Luật Nhà ở cũng quy định, trong trường hợp không có nhà ở xã hội thì Nhà nước có thể mua nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội. Thực tế, hầu hết tại các dự án, người dân không đồng thuận bàn giao mặt bằng vì nếu áp theo quy định, sau khi giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án, gần như họ không đủ điều kiện để có thể tiếp cận nhà ở thương mại; còn đối với nhà ở xã hội, thành phố lại không có đủ quỹ nhà. Chẳng hạn, khi quận Thủ Ðức triển khai bồi thường GPMB dự án đường vành đai 2 giai đoạn 3, có vài chục trường hợp hộ dân chỉ có khoảng 30 m2 đất, nếu đủ điều kiện bồi thường thì họ nhận vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, căn hộ chung cư ở Thủ Ðức bán rẻ nhất cũng đã là 13 triệu đồng/m2, nếu mua căn hộ, người dân phải mắc nợ, điều không ai muốn. Cần mặt bằng để thực hiện dự án, Nhà nước buộc phải cưỡng chế, khi ấy sẽ gây thêm phức tạp trong xã hội…

TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục tìm giải pháp xử lý những vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB để thực hiện các dự án. Với những vấn đề vượt thẩm quyền, tiếp tục kiến nghị trung ương giải quyết.

Trước đó, nhiều hiến kế hợp lý đã được đưa ra nhằm gỡ "nút thắt" về bài toán GPMB, trong đó các nhóm giải pháp ưu tiên chuyển nguồn các dự án đầu tư công sang đầu tư tư nhân được đánh giá cao nhất. Khi thực hiện phương án này, nhà đầu tư sẽ là người đứng ra thương lượng với người dân theo giá thị trường. Các phương án của nhà đầu tư thường sẽ linh hoạt hơn so với việc thành phố xây dựng phương án bồi thường theo quy định. Việc đàm phán sẽ tuân thủ theo nguyên tắc thị trường và các bên đồng thuận, tránh áp đặt, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện. Thành phố sẽ đóng vai trò tổ chức quy hoạch, hỗ trợ thủ tục hành chính và làm "trọng tài" để bảo đảm việc thương lượng tuân thủ các quy định pháp luật.

Đối với các dự án thành phố phải trực tiếp xây dựng phương án bồi thường, trong quá trình tổ chức quy hoạch, phê duyệt dự án, cần có tầm nhìn tổng thể để thu hồi đất bảo đảm nhiều tiêu chí khác nhau và hạn chế tạo ra chênh lệch. Chẳng hạn, quy hoạch nút giao thông cần đi với quy hoạch tổng thể cả vùng đệm, công viên cây xanh, giao thông tĩnh (bến, bãi đậu xe) và tính đến việc thu hồi đất cả khu vực chung quanh phục vụ chức năng thương mại, dịch vụ. Như vậy, vừa chỉnh trang đô thị một cách đồng bộ, hạn chế nhà siêu mỏng, siêu méo, tạo thêm tiện ích cho người dân, vừa tạo quỹ đất thương mại dịch vụ để tổ chức đấu giá, tạo nguồn thu ngân sách để đầu tư trở lại cho hạ tầng…

Người dân sẽ luôn đồng thuận với các chính sách của Nhà nước khi họ nhận được giá bồi thường hợp lý; chỗ ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ; con em họ không bị xáo trộn việc học hành…