Giải quyết tận gốc tình trạng “xe dù”, “bến cóc”

Thống kê mới nhất của Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố, đến tháng 12-2019 thành phố còn tồn tại 108 điểm đón, trả khách sai quy định nằm trước trụ sở hay trong các khuôn viên trụ sở do các đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức thực hiện.

Số “bến cóc” này đã tăng 25 điểm so với năm 2018, đó là chưa kể còn một số điểm hoạt động đón trả khách “nằm nhờ” khu vực cây xăng, tuyến đường, bãi xe ở gần các khu dân cư tồn tại nhiều năm qua chưa được cơ quan chức năng xử lý quyết liệt, tập trung nhiều ở khu vực các quận: Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Thạnh. Hoạt động này không chỉ sai quy định của Luật Giao thông đường bộ, mà còn là sự cạnh tranh bất bình đẳng với các đơn vị vận tải làm ăn chân chính; gây mất an ninh trật tự nhất là ở các khu vực đông dân cư, gây bức xúc trong dư luận thời gian qua.

Hình thức vi phạm phổ biến của các đơn vị vận tải kinh doanh xe hợp đồng, du lịch là các đơn vị này dù đăng ký hoạt động theo tuyến cố định nhưng lại “trá hình” đón, trả khách bên ngoài các bến xe. Các đơn vị này còn công khai đăng giá vé, tuyến đường hoạt động trên trang web của doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức bán vé, thu tiền hoặc thực hiện việc xác nhận đặt chỗ và đón trả khách tại văn phòng trụ sở đơn vị, tại một số điểm trên hành trình xe chạy. Trong trường hợp trên các tuyến đường có lắp đặt biển cấm dừng, cấm đỗ thì các đơn vị vận tải đưa xe khách vào khuôn viên văn phòng để thực hiện việc đón, trả khách. Trong khi theo quy định, loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và khách du lịch không được bán vé dưới mọi hình thức. Điều đáng nói, vài năm trở lại đây, nhiều đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định còn “lách” các quy định quản lý cũng như đáp ứng nhu cầu tiện lợi của hành khách bằng cách vừa hoạt động trong các bến xe lại vừa hoạt động bên ngoài bến xe và công khai bán vé tại các điểm ngoài bến xe khiến cơ quan quản lý khó kiểm soát giá vé, số vé được bán, gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước…

Hiện, tình trạng “xe dù”, “bến cóc” có xu hướng hoạt động rầm rộ, thách thức và ngày càng biến tướng cho thấy công tác kiểm tra, xử lý của ngành GTVT, thanh tra chuyên ngành, kể cả chính quyền địa phương thực hiện chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt, không ngoại trừ có dấu hiệu bao che sai phạm của một bộ phận cán bộ thanh, kiểm tra có thẩm quyền. Trong 10 tháng đầu năm 2019, Thanh tra Sở GTVT đã phát hiện và xử lý hơn 1.600 vụ vi phạm với số tiền phạt hơn hai tỷ đồng, thu hồi 131 phù hiệu; rà soát thu hồi 55 giấy phép kinh doanh vận tải; công bố các đơn vị vi phạm trên trang thông tin điện tử của Sở GTVT. Song, dư luận đánh giá chung, công tác kiểm tra, kiểm soát của đơn vị thanh tra, lực lượng cảnh sát giao thông thành phố còn làm theo phong trào, chỉ ra quân rầm rộ vào các đợt cao điểm lễ, Tết nhưng khi lực lượng rút đi thì đâu lại vào đấy. Đối với chính quyền địa phương, đã chậm phát hiện và chủ động phối hợp cơ quan chức năng để kịp thời xử lý các đơn vị kinh doanh vận tải đón trả khách sai quy định trên địa bàn. Một bộ phận người dân vẫn chưa có thói quen vào bến xe để mua vé, thường chỉ muốn sử dụng dịch vụ đưa đón tại nhà, tập trung tại các điểm dân cư.

Tết Nguyên đán đang cận kề, cũng là thời điểm dễ phát sinh các điểm “xe dù”, “bến cóc” hoạt động, gây mất trật tự an toàn giao thông. Hơn lúc nào hết, ngành GTVT thành phố cần tăng cường tuần tra, kiểm tra và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương quyết tâm xử lý triệt để hoạt động của các điểm kinh doanh vận tải vi phạm, trá hình, hướng đến một hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ công bằng, đúng quy định. Về lâu dài, ngành GTVT thành phố cần thiết lập và công bố thông tin những điểm đón và trả khách cho các tuyến liên tỉnh cố định, tổ chức tốt loại xe trung chuyển nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đi lại khi chọn xe ở các bến để di chuyển.