Ðể thành phố ngày càng văn minh

Thời gian qua, dư luận nhiều lần phản ánh tình trạng người ăn xin "tràn" ra nhiều khu vực công cộng trên địa bàn thành phố, gây phiền hà, phản cảm cho người đi đường và khách du lịch đến thành phố. Mặc dù UBND thành phố đã nhiều lần chỉ đạo xử lý, nhưng thực tế vẫn chưa được giải quyết căn cơ, triệt để.

Nhiều người đặt câu hỏi: Liệu nhóm trẻ ăn xin có phải do nghèo khổ thật, hay đằng sau đó là một thế lực ngầm "chăn dắt", dùng đủ mánh khóe, lợi dụng lòng trắc ẩn để bóc lột sức lao động? Khi một người lâm vào hoàn cảnh khốn cùng phải đi ăn xin qua thời đoạn thì không có gì là xấu và cũng không gây hại gì cho xã hội. Tuy nhiên, ngày nay, dưới lớp bọc của ăn xin, nhiều trẻ em bị lợi dụng, bóc lột như một công cụ kiếm tiền cho một nhóm người vô lương tâm. Thậm chí, nhiều trẻ bị bạo hành, ép uống thuốc, ngủ li bì, mặc cho đứa trẻ khác ẵm trên tay xin tiền khiến dư luận xã hội xót xa. Nếu việc ăn xin lại có sự bảo kê, chăn dắt, bóc lột sức lao động người tàn tật, người già yếu, trẻ em thì đó là hành vi tội ác, cần bị xử lý thích đáng.

Những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, quận, huyện khuyến cáo người dân không trực tiếp cho tiền người xin ăn trên đường phố, trong đó có cả trẻ em, tránh việc bị các đối tượng lạm dụng tình thương hại để tiếp tục bắt trẻ xin ăn. Thay vào đó, người dân muốn giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, người cao tuổi nên thông qua các tổ chức từ thiện, đoàn thể xã hội hoặc các nhóm thiện nguyện, hay tự mình tổ chức. Và mới đây, UBND thành phố lại một lần nữa có công văn khẩn giao Công an thành phố chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức rà soát địa bàn, đưa các đối tượng lang thang xin ăn, không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở trợ giúp xã hội. Ðồng thời, các cơ quan này tổ chức điều tra, phát hiện, xử lý các đối tượng "chăn dắt", trục lợi người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em và các đối tượng yếu thế khác để hoạt động bán hàng rong, xin ăn… UBND quận, huyện phải có trách nhiệm tăng cường tuyên truyền, phòng ngừa người dân đi lang thang xin ăn; rà soát nắm tình hình, đời sống của những người có hoàn cảnh khó khăn, kịp thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Để thành phố ngày càng văn minh, một thành phố đáng sống đúng nghĩa, phải kiên quyết dẹp bỏ triệt để vấn nạn ăn xin. Về công tác quản lý nhà nước phải thể hiện bằng những biện pháp cụ thể, quan tâm hơn nữa đối với những người nghèo khó, người phạm tội vừa được ra tù, giải quyết công ăn việc làm để họ an cư lạc nghiệp. Ðặc biệt, cần thực hiện thống kê cụ thể số người ăn xin trên địa bàn thành phố, đánh giá cuộc sống của họ, thành lập nhiều tổ chức xã hội, tổ chức thiện nguyện tích cực kết nối, nắm bắt nhanh chóng tình trạng ăn xin, có biện pháp phân loại, thu gom, đưa những người lang thang, ăn xin vào các cơ sở bảo trợ xã hội hoặc trả về địa phương. Ngoài ra, để chống lại nạn "chăn dắt", giảm bớt số người ăn xin, các cơ quan quản lý địa phương phải mạnh tay, kiên quyết xử lý nghiêm, thậm chí phải xử lý hình sự theo luật định. Muốn vậy, thành phố phải tuyên truyền, khuyến khích người dân phát hiện, tố cáo các hành vi "chăn dắt" để việc xử lý kiên quyết, hiệu quả.