Đối phó tiếng ồn

Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp xử lý hiệu quả các hành vi vi phạm về tiếng ồn. Đây được xem là chỉ đạo cần thiết khi vấn đề tiếng ồn đã gây nhiều bức xúc cho người dân trong thời gian gần đây.

Vấn đề ô nhiễm tiếng ồn trở nên trầm trọng khi các thiết bị điện tử và âm thanh ngày càng phổ biến, “bình dân hóa”…, nhất là loại hình “ka-ra-ô-kê dạo”. Cùng với đó, khi đời sống và thu nhập khá lên, nhu cầu giải trí, thư giãn của người dân cũng thay đổi. Các quán nhậu có phục vụ âm nhạc, sàn nhảy,… xuất hiện nhiều hơn. Đó là những nguồn gây tiếng ồn quá mức bình thường, chủ yếu ở các khu dân cư. Bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tiếng ồn là người dân ở các khu vực vùng ven, các khu dân cư mới, những con đường dọc các con kênh lớn (Nhiêu Lộc, Thị Nghè, Bến Nghé, Tàu Hủ…)…, nơi có nhiều quán nhậu kinh doanh tới khuya. Mới đây, tại buổi tiếp xúc đại biểu Quốc hội, cử tri quận 8 đã lên tiếng phản ánh tình trạng “ka-ra-ô-kê dạo” gây ồn quá lớn trong các khu dân cư.

Theo nhiều chuyên gia y học, tiếng ồn quá mức chịu đựng sẽ tác động tiêu cực tới sức khỏe thể chất và tinh thần của con người, gây nhiều hệ lụy như mất ngủ, dễ bị căng thẳng, mệt mỏi…, từ đó dẫn tới nguy cơ bị suy nhược, tim mạch, tăng huyết áp, loét dạ dày, rối loạn tâm thần, ù tai… Trong đó, những người già và trẻ con bị ảnh hưởng nặng nhất. Tiếng ồn còn khiến con người cảm thấy khó chịu, ức chế, giận dữ, rất dễ gây ra cãi vã, hành vi bạo lực, xô xát.

Lâu nay, người dân thành phố mong muốn các cấp chính quyền cùng cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm quy định về tiếng ồn, nhất là những địa điểm thường xuyên bị người dân phản ánh hoặc có nguy cơ cao gây ồn quá mức (vũ trường, quán nhậu có nhạc sống, cơ sở kinh doanh ka-ra-ô-kê…). Cùng với đó, các cơ quan chức năng nên tổ chức tuần tra đột xuất các khu vực, con đường có nhiều quán nhậu, điểm kinh doanh ka-ra-ô-kê hoặc thường có phục vụ “ka-ra-ô-kê dạo”… và có biện pháp xử lý phù hợp. Ngành văn hóa cần nghiên cứu bổ sung tiêu chí không gây tiếng ồn vào các tiêu chuẩn văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cũng như vào hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.

Thành phố cần kiến nghị các bộ, ngành trung ương điều chỉnh các quy định về tiếng ồn và chế tài xử lý vi phạm về tiếng ồn phù hợp thực tế hiện nay. Cần có quy định cụ thể, chi tiết hơn nữa về những nơi và thời điểm (khung giờ) không được gây ra tiếng ồn quá mức như khu dưỡng lão, trường học (nhất là các trường mầm non và tiểu học). Đồng thời, trang bị các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cần thiết để các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi gây ồn nguy hiểm. Chính quyền cấp huyện và xã nên xem xét thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý những phản ánh về ô nhiễm môi trường nói chung và tiếng ồn nói riêng…