Để sân khấu luôn sáng đèn

Tối 30-1 tới, vở cải lương Nàng Xê đa sẽ được công diễn tại Nhà hát Bến Thành, quận 1. Đây là vở diễn được giới mộ điệu cải lương trông đợi khi quy tụ dàn diễn viên sáng giá của sân khấu cải lương TP Hồ Chí Minh hiện nay. Đây cũng là "quả ngọt đầu mùa" từ sự hợp tác giữa Công ty TNHH Tổ chức biểu diễn Song Việt và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Sự kết hợp giữa một đơn vị tư nhân và một đơn vị nghệ thuật nhà nước như một tín hiệu khả quan cho cải lương nói riêng và sân khấu thành phố nói chung trên con đường trở lại chinh phục khán giả.

Năm 2020 vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sân khấu thành phố gặp khá nhiều khó khăn khi phải thường xuyên đóng cửa để phòng ngừa dịch bệnh lây lan. Trong hoàn cảnh đó, nhiều sân khấu vẫn tranh thủ thời gian nghỉ ngơi "bất đắc dĩ" để tìm hướng đi mới cho mình ngay khi thành phố trở lại trạng thái "bình thường mới". Bên cạnh một số sân khấu tư nhân tiếp tục sáng đèn đều đặn với những vở mới dù lượng khách có giảm, thì sự liên kết giữa các đơn vị với nhau như Công ty Song Việt với nhà hát Trần Hữu Trang cũng là cách để những người nghệ sĩ "giữ lửa" nghề cho chính mình.

Mặt khác, dù khó khăn chồng chất, nhưng nhiều nghệ sĩ vẫn tự tin cho ra mắt sân khấu mới giữa mùa dịch như sân khấu Sen Việt của Nghệ sĩ Ưu tú Lê Nguyên Đạt. Không hoàn toàn chạy theo thị hiếu của khán giả, sâu khấu Sen Việt hướng đến những vở cải lương mang đề tài xã hội, gai góc hơn. Đáng chú ý, nơi đây sẽ là "bà đỡ" cho những đạo diễn, diễn viên trẻ khi mạnh dạn đưa những tác phẩm tốt nghiệp của sinh viên Trường Sân khấu - Điện ảnh ra biểu diễn phục vụ khán giả.

Với những đơn vị đã định hình phong cách riêng như sân khấu 5B, ngoài biểu diễn những vở được khán giả yêu thích, sân khấu này còn mở thêm các chương trình kịch hài, kịch thiếu nhi để thu hút nhiều đối tượng khán giả đến với mình. Một số nghệ sĩ khác thì thực hiện mô hình sân khấu gia đình chỉ với một số khán giả nhất định. Đây cũng là một hướng đi mới mẻ để nghệ sĩ được thỏa đam mê với nghiệp diễn trong hoàn cảnh không mấy thuận lợi như hiện nay.

Có thể nói, trong điều kiện khó khăn, nhất là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sân khấu xã hội hóa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn cố gắng để tìm "ánh sáng cuối đường hầm". Trong khó khăn, các sân khấu có được khoảng thời gian quý giá để nhìn lại mình và tìm cho mình những hướng đi mới để nâng cao chất lượng vở diễn, qua đó kéo khán giả trở lại với sân khấu.

Một loạt vở diễn cải lương, kịch nói sắp ra mắt công chúng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cho thấy những cách làm mới mình của sân khấu TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu mang lại hiệu quả. Tất nhiên, những nỗ lực của các sân khấu tư nhân cũng rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước để các đơn vị có thêm sức mạnh cùng nhau vực dậy hoạt động sân khấu của thành phố, để các sân khấu luôn sáng đèn, tìm lại ánh hào quang trong thời gian tới.