Để người lao động đón Tết yên vui, trọn vẹn

Cuối năm Tết đến, điều người lao động (NLĐ) mong mỏi nhất là được nhận lương, có thưởng để đón một cái Tết yên vui, trọn vẹn sau một năm lao động vất vả. Tuy nhiên, báo cáo từ một số liên đoàn lao động (LĐLĐ) quận, huyện cho thấy, dù cận kề cuối năm nhưng không ít doanh nghiệp (DN) lại gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phải cắt giảm lao động, thậm chí đóng cửa, khiến NLĐ mất việc khi Tết đến gần.

Theo LĐLĐ huyện Củ Chi, từ tháng 11 đến nay, hơn 100 công nhân của Công ty cổ phần Sản xuất Xuất nhập khẩu i-nốc Kim Vĩ (huyện Củ Chi) đứng ngồi không yên vì không có việc làm, chậm nhận lương, chủ DN nợ bảo hiểm xã hội (BHXH). Mới đây, Ban Giám đốc công ty thông báo đến toàn thể NLĐ do DN gặp khó khăn, cho nên sẽ phải cắt giảm lao động và yêu cầu công nhân tự viết đơn xin thôi việc. Bị nợ lương, việc làm bấp bênh, cắt giảm lao động đã kéo theo hàng loạt quyền lợi của NLĐ bị vi phạm. Chưa kể, thời điểm cuối năm rất khó để NLĐ tìm việc làm mới. Hiện ở Củ Chi, 20 DN đang gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, nợ BHXH của hàng trăm NLĐ, có nguy cơ không có thưởng Tết. LĐLĐ huyện và các cơ quan chức năng đang đi thực tế khảo sát tại DN để nắm tình hình, phòng ngừa tranh chấp lao động xảy ra.

LĐLĐ quận Thủ Đức cho biết, hơn 500 công nhân của Công ty TNHH Dệt may Thái Dương B.R.O gần đây lâm cảnh khó khăn khi DN bất ngờ thông báo ngừng hoạt động vào dịp cuối năm. Tại đây, nhiều công nhân lao động cũng bất an vì thời điểm cuối năm cận kề mà chậm nhận lương, chủ DN nợ BHXH và quan trọng là họ không thể xoay xở kiếm việc mới để ổn định cuộc sống. LĐLĐ quận Thủ Đức đã can thiệp, yêu cầu công ty khắc phục số nợ BHXH cho NLĐ, đồng thời hỗ trợ công nhân tìm việc làm mới và có phương án chăm lo nữ công nhân đang trong kỳ thai sản, nuôi con nhỏ… Thống kê của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho thấy, hiện có khoảng 70 DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và nợ BHXH của NLĐ gần 76 tỷ đồng. NLĐ làm việc tại các DN này khó có cơ hội được thưởng Tết.

Nợ lương, không có tiền thưởng Tết không phải là câu chuyện mới đối với NLĐ nhưng tình trạng mất việc, nhiều quyền lợi bị “treo” theo “số phận” của DN một cách lửng lơ, ngay vào thời điểm cuối năm, luôn là trăn trở của NLĐ. Các cấp công đoàn (CĐ) cần có giải pháp giải quyết căn cơ hơn. Theo dõi, nắm bắt tình hình thực tế, thông tin dư luận trong NLĐ, qua đó trao đổi với CĐ cơ sở để kịp thời ngăn ngừa chủ DN ngưng việc đột xuất, nợ lương, nợ BHXH; thậm chí ngăn chặn hành vi bỏ trốn, đóng cửa nhà máy của các chủ DN, nhất là chủ DN là người nước ngoài. CĐ cơ sở cần sớm nắm bắt kế hoạch sản xuất, kinh doanh, hoạt động của ban lãnh đạo DN để chủ động có sự trao đổi, bàn bạc, đưa ra nội dung thỏa ước có lợi cho NLĐ. CĐ cấp trên cơ sở cần tập trung giám sát để phát hiện sớm các đơn vị khó khăn, có nguy cơ xảy ra tranh chấp, qua đó tham mưu hỗ trợ CĐ cơ sở giải quyết, cũng như kịp thời xây dựng phương án hỗ trợ NLĐ.

Theo yêu cầu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, các DN phải báo cáo tình hình tiền lương và kế hoạch thưởng Tết hằng năm, đồng thời phối hợp, trao đổi với CĐ cơ sở rà soát lại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, thưởng để thực hiện các chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với NLĐ theo nội dung đã thỏa thuận. Lương, thưởng do DN, đơn vị chi trả cho NLĐ thực hiện trên cơ sở quy định của Luật Lao động, thỏa ước lao động được thông qua tại đơn vị và đó còn là sự động viên khích lệ của chủ DN, lãnh đạo đơn vị đối với thành quả của NLĐ để họ có động lực cống hiến và gắn bó với đơn vị, góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa của hai bên. Do đó, bản thân chủ DN phải ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm quyền lợi của NLĐ, được nêu trong thỏa ước lao động tập thể. Trong đó, chủ DN, đơn vị phải bảo đảm thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn lương, thưởng cho NLĐ, không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ thưởng dẫn đến nguy cơ tranh chấp, bất ổn trong DN.