Để giảm nghèo bền vững

“Không để bất cứ hộ dân nào bị đói, phải thoát khỏi cảnh nghèo và vươn tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc” là mục tiêu xuyên suốt trong các chủ trương và việc làm cụ thể của Đảng bộ, chính quyền TP Hồ Chí Minh nhiều năm qua trong việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Thực tế cho thấy, ở mỗi giai đoạn, thành phố đều hoàn thành mục tiêu giảm nghèo sớm so với kế hoạch và là địa phương đi đầu cả nước về xóa đói, giảm nghèo bền vững. 

Thời gian qua, chính quyền thành phố luôn hỗ trợ, đồng hành cùng người nghèo, cận nghèo theo phương châm “trao cần câu chứ không trao con cá”. Rất nhiều chính sách được ban hành, triển khai hiệu quả như: Trợ vốn tự tạo việc làm, học nghề, giải quyết việc làm; chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế; chính sách về nhà ở xã hội, học phí, viện phí..., từ đó đã tạo động lực để người dân phấn đấu vươn lên, có điều kiện để thoát nghèo.

Tại các địa phương thuộc thành phố, nhiều mô hình giảm nghèo thiết thực, bền vững đã được triển khai đạt hiệu quả. Có thể kể đến như mô hình tổ tự quản giảm nghèo bền vững. Với khoảng 3.000 tổ tự quản giảm nghèo bền vững, mỗi tổ quản lý từ 30 đến 40 hộ dân, từng bước giúp các hộ nghèo vươn lên. Các mô hình tự tạo việc làm cũng mang lại hiệu quả lớn khi các cơ sở, xí nghiệp tiếp nhận và tạo điều kiện việc làm cho người có nhu cầu xin việc để tạo kế sinh nhai. Mô hình này đã trực tiếp giúp đỡ những người buôn bán hàng rong bị ảnh hưởng việc làm do lập lại trật tự lòng, lề đường. 

Thực tế cũng cho thấy, MTTQ và các đoàn thể, tổ chức xã hội đã thể hiện rõ vai trò của mình thông qua những cách làm mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Có thể nhắc đến là việc tổ chức các hội nghị bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo; hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên định hướng ngành nghề, công việc phù hợp khả năng, trình độ; tổ chức trao tặng phương tiện sinh kế cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Thời gian qua, thành phố đã nhiều lần nâng mức chuẩn nghèo. Giai đoạn 1992 - 2003, chuẩn nghèo là ba triệu đồng/người/năm (nội thành) và 2,5 triệu đồng/người/năm (ngoại thành); giai đoạn 2004 - 2010, chuẩn nghèo này được nâng lên sáu triệu đồng/người/năm; giai đoạn 2009 - 2015 là 12 triệu đồng và giai đoạn 2016 - 2020 là 21 triệu đồng trở xuống. Chuẩn hộ cận nghèo cũng được nâng từ hơn 21 triệu đồng giai đoạn 2009 - 2015 lên 28 triệu đồng giai đoạn 2016 - 2020. Đến đầu năm 2019, thành phố đã điều chỉnh chuẩn nghèo lên mức dưới 28 triệu đồng; hộ cận nghèo từ 28 triệu đồng lên 36 triệu đồng/người/năm. Điều đó cho thấy những phương thức hỗ trợ của thành phố đã đạt những kết quả nhất định và quan trọng hơn là tinh thần nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân… 

Thành phố Hồ Chí Minh đang hướng đến là một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Để các mục tiêu này trở thành hiện thực trong tương lai không xa, việc giảm nghèo bền vững tiếp tục là một công tác quan trọng và cần được quan tâm thực hiện thường xuyên. Thành phố cần tiếp tục phát huy các giải pháp, cách làm thiết thực mang tính tác động, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi, tạo cơ hội cho người nghèo thành phố có thể an tâm, tự tin tổ chức cuộc sống để giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. 

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân có hoàn cảnh khó khăn cần được triển khai sâu sát để thay đổi nhận thức từ việc trông chờ, ỷ lại vào trợ cấp của Nhà nước, thiếu ý chí phấn đấu giảm nghèo, hòa nhập vào cuộc sống chung của cộng đồng. Các cơ quan, ban, ngành cũng cần triển khai các công tác để khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo, hộ nghèo. Cần sự chung tay hiệu quả hơn nữa của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong hỗ trợ người nghèo, khơi dậy sức dân để lo cho dân…