Đẩy mạnh phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em

Ủy ban nhân dân thành phố vừa phê duyệt các dự án phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở quận 10, Gò Vấp và hai huyện Nhà Bè, Củ Chi. Các dự án này do Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tại Việt Nam (SCI) tài trợ, được triển khai từ tháng 7-2020 đến tháng 6-2024 nhằm góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững và hướng tới một môi trường không có lao động trẻ em vào năm 2025; đồng thời tạo điều kiện cho trẻ em học tập trong một môi trường giáo dục chính quy và chất lượng. Đây là nỗ lực của thành phố trong công tác thúc đẩy việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em trước bối cảnh số lượng lao động trẻ em trên địa bàn thành phố có nguy cơ gia tăng sau dịch Covid-19…

Theo thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan, đơn vị chức năng, thành phố hiện có khoảng 1,4 triệu trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm 14% số dân) và gần 350 nghìn người dưới 15 tuổi đăng ký tạm trú. Thực tế cho thấy, nhiều gia đình nhập cư có con em từ 12 đến 16 tuổi tham gia lao động mà không hề hay biết vi phạm các tiêu chí về lao động trẻ em. Có nhiều trẻ em đã nghỉ học phải làm việc trong các quán cà-phê, quán ăn, nhà hàng, xưởng may… với thời gian làm việc hơn tám giờ mỗi ngày và vượt quá 40 giờ mỗi tuần. Đáng buồn là có những người cha, người mẹ cũng không biết việc để cho trẻ em lao động như vậy là vi phạm pháp luật. Theo đánh giá của các chuyên gia, trẻ em phải lao động sẽ bị tước mất tuổi thơ, tổn hại về sức khỏe thể chất và tinh thần, tác động tiêu cực đến sự phát triển trí tuệ và nhân cách, nguy cơ bị lạm dụng hoặc bóc lột, hạn chế hoặc thậm chí mất các cơ hội học tập, ảnh hưởng cơ hội có việc làm bền vững khi tới tuổi trưởng thành, dẫn tới nguy cơ bị đói nghèo cả đời…

Vì vậy, trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các chuyên gia cho rằng, hành động hiệu quả để phòng, chống tình trạng lao động trẻ em là trẻ em ở các gia đình nghèo phải được đặt vào trung tâm của các kế hoạch bảo trợ xã hội ứng phó với dịch Covid-19; công tác bảo vệ trẻ em cần được ưu tiên, chính quyền các cấp cần tìm giải pháp đưa các em trở lại trường học. Thành phố là nơi thu hút một lượng lớn người đến sinh sống, lập nghiệp, học tập, làm việc…, và dẫn theo không ít trẻ em đi cùng. Thực tế cũng cho thấy, tình trạng lao động trẻ em đã phát sinh ở thành phố từ nhiều năm trước nhưng việc phòng ngừa, giảm thiểu vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Để giải quyết vấn đề nay, thành phố cần có những giải pháp căn cơ và triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa. Trong đó, phải mạnh tay xử lý những hành vi xâm hại, ngược đãi trẻ em; kết nối, chia sẻ thông tin chặt chẽ và thường xuyên với những địa phương và cơ quan chức năng liên quan, nhất là những địa phương có nhiều người lao động và trẻ em di cư đến.