Chuyển đổi nghề cho người sử dụng xe thô sơ, tự chế

UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành và 24 quận, huyện khẩn trương thống kê để có kế hoạch chuyển đổi nghề cho người dân đang sử dụng xe ba bánh, bốn bánh thô sơ, tự chế. Đây là chủ trương nhằm hạn chế loại xe này lưu thông trên địa bàn thành phố, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, đồng thời để tiếp tục hỗ trợ cho người dân tìm công việc làm ăn khác ổn định cuộc sống.

Thành phố yêu cầu 24 quận, huyện khẩn trương rà soát, thống kê số lượng người dân sử dụng xe ba bánh, bốn bánh thô sơ và tự chế, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng người để đề xuất hỗ trợ phù hợp. Sở Giao thông vận tải thành phố có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan đưa ra đánh giá tác động của các loại xe này đến tình hình giao thông hiện nay. Kết quả rà soát, đánh giá gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố ngay trong tháng 10 này để có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người nghèo, khó khăn.

Đây không phải là chủ trương mới. Từ năm 2009, thành phố đã ban hành quyết định cấm xe cơ giới, xe thô sơ ba bánh, bốn bánh lưu thông trong khu vực trung tâm và hạn chế lưu thông trên 41 tuyến đường khác như xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1K, quốc lộ 22… Thành phố cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người nghèo đang sử dụng loại phương tiện xe ba bánh, bốn bánh thô sơ, tự chế và tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm sau thời điểm hỗ trợ. Từ năm 2010 đến nay, các lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm hành chính hơn 17.400 trường hợp (hơn 12.520 xe cơ giới ba bánh, 4.880 xe tự chế ba bánh, bốn bánh), tạm giữ hơn 12.600 xe, ra quyết định tịch thu 5.200 xe ba bánh, bốn bánh các loại.

Tuy nhiên, do việc triển khai, thực hiện chưa đồng bộ, hiện số lượng xe ba bánh, bốn bánh thô sơ và tự chế được người dân sử dụng để vận chuyển hàng hóa, buôn bán hàng rong tại thành phố đang gia tăng trở lại. Trong hai năm (năm 2017 và năm 2018), trên địa bàn thành phố xảy ra 23 vụ tai nạn giao thông liên quan các loại xe này, chiếm 1,6% tổng số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn, làm 21 người tử vong và năm người bị thương.

Theo thống kê sơ bộ, thành phố hiện có gần 2.170 xe cơ giới ba bánh đã được đăng ký cấp biển số; khoảng 10 nghìn xe ba bánh, bốn bánh thô sơ, tự chế không động cơ và có động cơ nhưng không đủ điều kiện để cấp phép. Đó là chưa kể hằng ngày một lượng xe tự chế ở các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An... lưu thông trên địa bàn thành phố. Hoạt động của các loại phương tiện này được đánh giá là tiềm ẩn nguy cơ cao về mất trật tự an toàn giao thông do chở hàng cồng kềnh, quá tải, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, dễ gây tai nạn, ùn tắc giao thông, gây ô nhiễm môi trường...

Việc cấm, hạn chế lưu thông xe tự chế là chủ trương đúng đắn, cần triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để giải quyết hiệu quả, điều quan trọng đầu tiên là hỗ trợ và chuyển đổi nghề cho người sử dụng xe thô sơ, tự chế có công ăn việc làm ổn định, bởi đây là vấn đề dân sinh có liên quan đến nhiều gia đình, hộ nghèo tại thành phố. Ngoài việc sớm có những chính sách hỗ trợ thiết thực, phù hợp, thì cần đẩy mạnh công tác hướng dẫn, tư vấn chuyển đổi nghề phù hợp cho từng đối tượng, để họ yên tâm với nghề mới.