Chấn chỉnh công tác tiếp công dân

Dù trách nhiệm và quy trình tiếp công dân đã được quy định đầy đủ trong Luật Tiếp công dân và các văn bản pháp luật liên quan, nhưng trong thực tế, công tác tiếp công dân ở TP Hồ Chí Minh vẫn còn thiếu sót, chưa được thực hiện nghiêm túc ở không ít cơ quan hành chính nhà nước.

Gần đây, công luận phản ánh có tình trạng cán bộ một số UBND phường ở một số quận, huyện của thành phố lơ là trong việc tiếp công dân. Phổ biến nhất là tình trạng cán bộ lãnh đạo bận họp nên không thể tiếp công dân được, dù lịch tiếp đã có trước đó. Có phường chỉ dán lịch tiếp công dân bên trong phòng, thay vì niêm yết công khai bên ngoài để người dân dễ dàng nhận biết. Có nơi, cán bộ lại nói rằng ai muốn gặp chủ tịch UBND phường (người tiếp công dân) thì phải đăng ký trước...

Thực ra, từ trước đây, công tác tiếp công dân ở một số cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố đã có dấu hiệu bị buông lỏng, không được quan tâm đúng mức. Lịch tiếp công dân không được đăng tải hoặc không cập nhật trên cổng thông tin điện tử của một số quận, huyện. Trước thực trạng này, vào tháng 8-2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có ý kiến và UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện chấn chỉnh hoạt động tiếp công dân và có biện pháp khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác này; thực hiện nghiêm trách nhiệm, quy trình tiếp công dân định kỳ và đột xuất theo Luật Tiếp công dân.

Theo các chuyên gia pháp luật, Luật Tiếp công dân không quy định phải đăng ký trước; lịch tiếp dân phải được niêm yết công khai và thực hiện đúng để bất cứ lúc nào người dân đến là tiếp, không có chuyện hẹn trước, xếp lịch mới tiếp. Khi lịch tiếp dân được công bố, người dân có nhu cầu và đến nơi tiếp dân vào ngày đó thì cán bộ phải tiếp, chứ tới ngày tiếp dân mà người tiếp lấy lý do bận họp, không tiếp là không đúng quy định của Luật.

Lắng nghe dân nói là quan điểm, chủ trương nhất quán, xuyên suốt từ lâu nay của Ðảng và Nhà nước ta. Thực hiện tốt việc tiếp công dân, gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại với dân... là yếu tố quan trọng góp phần kéo giảm các vụ khiếu nại, khiếu kiện, ngăn ngừa sự phát sinh các điểm "nóng" về an ninh trật tự tại địa bàn. Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp nếu được lãnh đạo chính quyền ở cơ sở tiếp, hướng dẫn, giải thích ngay từ đầu thì người dân đã không phải đi lại mất thời gian và giải tỏa được khúc mắc, bức xúc. Ngược lại, nếu cán bộ tại cơ sở không tham gia hoặc né tránh việc đối thoại với công dân sẽ gây bức xúc cho người dân; làm lỡ cơ hội để chính quyền trao đổi, nắm bắt thông tin, ghi nhận nguyện vọng của công dân, từ đó kiểm tra lại quá trình ban hành và thực hiện quyết định hành chính để có biện pháp giải quyết kịp thời, hiệu quả vụ việc.

Việc không tiếp công dân là không đúng quy định của pháp luật, làm kéo dài quá trình tố tụng, làm giảm uy tín của chính quyền... Vì vậy, bên cạnh việc đưa công tác tiếp công dân đi vào nền nếp, thành phố cần tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất công tác tiếp công dân của các cơ quan hành chính, xử lý nghiêm những cơ quan và lãnh đạo không thực hiện tốt công tác này, bảo đảm việc tiếp công dân thật sự có chất lượng, hiệu quả cao, tránh tình trạng đối phó...