Cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật

Ðến nay, thủ tục và thời gian đăng ký kinh doanh đã giảm khá nhiều, thời gian xử lý hồ sơ trung bình ở Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Hồ Chí Minh đã giảm 30% so với những năm trước. Trong đó, có những loại hồ sơ nộp trực tiếp, thời gian giải quyết chỉ từ một ngày rưỡi đến hai ngày; hồ sơ nộp trực tuyến thì thời gian xử lý chỉ trong vòng 24 giờ. Thời gian giải quyết thủ tục thành lập doanh nghiệp (DN), thông báo mẫu dấu và đăng ký cập nhật thông tin tài khoản ngân hàng còn giảm mạnh hơn, từ chín ngày giảm còn ba ngày...

Các sở, ngành, đơn vị, cơ quan khác cũng đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, mô hình, sáng kiến hiệu quả, rút ngắn thời gian giải quyết, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, tiết kiệm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực như thuế, đất đai, xây dựng, giao dịch bất động sản, hải quan... Cách thức thực hiện thủ tục hành chính cũng được đa dạng hóa để người dân, DN có nhiều sự lựa chọn, nhất là thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở các mức độ cao và đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa điện tử, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Tuy vậy, DN vẫn gánh chịu khá nhiều thủ tục "hậu đăng ký DN", làm DN tốn kém không ít chi phí không chính thức trong việc gia nhập thị trường, sản xuất - kinh doanh.

TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, số lượng DN chiếm khoảng 30% tổng số DN của cả nước và hoạt động nhiều ngành nghề, chịu sự quản lý của nhiều cơ quan và đơn vị chức năng nên thủ tục hành chính phát sinh rất nhiều. Trong khi đó, sự phối hợp trong công tác quản lý giữa các cơ quan, đơn vị liên quan còn nhiều bất cập, hạn chế, mức độ chia sẻ và liên thông dữ liệu giữa các cơ quan còn thấp, nhất là ở các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Mặc dù đã công bố và có nhiều nỗ lực nhưng việc cắt giảm các thủ tục, điều kiện đầu tư, kinh doanh cho DN vẫn chưa đạt như kỳ vọng, chưa tạo thuận lợi thật sự cho DN. Vẫn còn nhiều kẽ hở, quy định chưa rõ ràng trong quá trình thực thi pháp luật, gây phiền hà và tốn kém (thời gian, tiền bạc) lẫn rủi ro cho DN. Ðâu đó vẫn còn bệnh hình thức, thiếu thực chất, "đầu voi đuôi chuột" ở không ít cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thi hành pháp luật.

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng nêu trên là do nhận thức của các cơ quan chức năng và cán bộ xây dựng, thực thi pháp luật còn hạn chế, chưa đánh giá hết hậu quả của việc tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật cho DN...

Để giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân và DN, trước hết, từng cán bộ, công chức, viên chức phải nhận thức sâu sắc đây là loại chi phí tạo ra gánh nặng rất lớn với DN, khiến DN có thể tuột mất cơ hội sản xuất - kinh doanh, đầu tư, làm suy giảm năng lực và lợi thế cạnh tranh, ảnh hưởng tiêu cực tới sự tồn tại và phát triển của DN. Chi phí tuân thủ pháp luật cao sẽ tác động xấu đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của từng địa bàn và cả nền kinh tế.

Chính quyền các cấp ở thành phố cần có và triển khai các giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; triển khai hiệu quả việc cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Cần khắc phục ngay tình trạng kiểm tra DN nhiều lần trong năm; công tác kiểm tra DN nên giao cho một cơ quan làm đầu mối theo dõi toàn bộ hoạt động kiểm tra, thanh tra DN trên địa bàn quận, huyện và có quy định trách nhiệm rõ ràng để tránh chồng lấn chức năng giữa các ngành...