Cần quyết liệt xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc”

Là nơi có lượng người đi lại rất lớn, nhất là vào các dịp lễ, Tết, thời gian qua, mặc dù TP Hồ Chí Minh đã chủ động chuẩn bị nhiều phương án, kế hoạch nhằm bảo đảm thuận lợi nhất trong việc đi lại cho người dân, song một trong những vấn đề khiến người dân bức xúc, gây mất trật tự an toàn xã hội và mỹ quan đô thị là nạn “xe dù, bến cóc” vẫn chưa được xử lý triệt để.

Còn vài tuần nữa mới đến cao điểm đi lại dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, nhưng nhiều ngày qua, tại nhiều tuyến đường, khu vực, cả ngoại thành lẫn nội thành, các loại “xe dù, bến cóc” đã hoạt động nhộn nhịp. Nhiều nhà xe còn bất chấp các biển báo để hoạt động khi khách có nhu cầu. Đây không phải là thực trạng mới xuất hiện mà từ nhiều năm qua, bất chấp nỗ lực của các ngành chức năng, hoạt động của các loại hình vận tải này vẫn luôn tìm cách “né” luật, lách luật để hoạt động nhằm kiếm lợi nhuận.

Không chỉ các nhà xe hoạt động ngoài bến mà nhiều năm qua, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh còn chỉ ra nhiều nhà xe dù đăng ký hoạt động trong các bến nhưng vẫn bán vé, đón khách ngoài bến. Điều đó khiến tình trạng lộn xộn, nguy cơ mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan đô thị càng phức tạp, đồng thời khiến cho sự cạnh tranh trên thị trường vận tải hành khách không được minh bạch, lành mạnh.

Hằng năm, các ngành chức năng của thành phố đều công bố số lượng “xe dù, bến cóc” đang tồn tại, số vụ vi phạm của các nhà xe nhưng thực trạng này vẫn không có dấu hiệu giảm xuống. Thậm chí, một số nhà xe còn tìm cách hoạt động với nhiều mánh lới tinh vi, táo tợn hơn. Vào các dịp cao điểm, các cơ quan chức năng đều tổ chức ra quân để giữ trật tự an toàn giao thông, xử lý các trường hợp vi phạm, nhưng chắc hẳn, chừng đó sẽ khó răn đe được các nhà xe, đơn vị vận tải cố tình vi phạm.

Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì ra quân cao điểm từng đợt thì các cơ quan chức năng cần tập trung, bố trí kế hoạch trong suốt cả năm để bảo đảm tính hiệu quả của công tác này. Thực tế cho thấy, để qua mặt các cơ quan chức năng, nhiều đơn vị vận tải đã thuê cả một đội quân để cảnh giới, báo hiệu cho lái xe khi có lực lượng chức năng ra quân xử lý. Nếu công tác này được tổ chức liên tục, thường xuyên chắc chắn hành vi này sẽ khó tồn tại.

Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, việc áp dụng biện pháp “phạt nguội” thông qua hình ảnh do các ca-mê-ra ghi lại cũng sẽ giúp công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát hành vi vi phạm dễ dàng hơn. Giải pháp này vừa bảo đảm tính hiệu quả, vừa giảm áp lực về việc phải bố trí lực lượng tại các điểm “nóng”. Với hệ thống ca-mê-ra đang được triển khai rộng khắp các quận, huyện, thành phố, tuyến đường, nếu các đơn vị cùng kết hợp đồng bộ thì đây sẽ là một giải pháp đạt được hiệu quả tức thì đối với tình trạng này.

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, các “xe dù, bến cóc” hiện vẫn tồn tại cũng bắt nguồn từ sự bất cập trong hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố. Thành phố vẫn chưa bố trí các điểm đón, trung chuyển hợp lý cho nên người dân vẫn còn thói quen đứng ở bất cứ nơi nào thấy thuận tiện để đón xe. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần đề xuất nâng mức xử phạt, chế tài, kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm về vận tải hành khách để nhiều nhà xe không còn “nhờn thuốc”.