Cần phối hợp đồng bộ trong kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn giao thông

Thành phố Hồ Chí Minh vừa lập đoàn kiểm tra liên ngành để xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô trên địa bàn thành phố. Ngoài kiểm tra công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) như chở quá khổ, quá tải; thay đổi thiết kế xe; dừng, đậu không đúng nơi quy định…, đoàn kiểm tra còn tập trung kiểm tra các doanh nghiệp (DN) không chấp hành quy định về khám sức khỏe cho lái xe, những DN có phương tiện gây tai nạn giao thông trong thời gian gần nhất.

Theo đó, Công an, Sở Giao thông vận tải thành phố phối hợp UBND các quận, huyện kiểm tra đột xuất nồng độ cồn và chất gây nghiện đối với người điều khiển phương tiện giao thông tại các bến xe, bến cảng, bãi tập kết công-ten-nơ và các khu vực cửa ngõ ra, vào thành phố.

Ðây là động thái mạnh mẽ của thành phố để lập lại trật tự ATGT sau nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra thời gian gần đây, trong đó nguyên nhân phần nhiều do người điều khiển phương tiện sử dụng chất kích thích như bia, rượu, ma túy… Người dân kỳ vọng công tác kiểm tra cần bảo đảm thường xuyên, liên tục; lực lượng chức năng xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm và việc xử lý cần mang tính răn đe mạnh hơn, tránh hiện tượng ra quân rầm rộ mang tính hình thức trong thời gian cao điểm rồi đâu lại vào đó. Các cơ quan chức năng cần phối hợp đồng bộ trong công tác xử lý vi phạm, bảo đảm việc quy trách nhiệm đúng địa chỉ.

Trước đó, trong đợt cao điểm kiểm tra của Công an thành phố từ tháng 1 đến tháng 2-2019, thời gian đầu ra quân kiểm tra ở các cửa ngõ thành phố, nơi tập trung các bến cảng, số trường hợp lái xe ô-tô tải, công-ten-nơ sử dụng chất kích thích, có nồng độ cồn vượt quy định lên đến vài trăm, nhưng sau đó, số liệu vi phạm “sụt” nhanh do có hiện tượng lái xe đối phó, tạm ngưng ra đường để tránh bị kiểm tra.

Liên quan đến công tác kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho người điều khiển phương tiện giao thông, mặc dù Sở Giao thông vận tải thành phố đã yêu cầu DN kinh doanh vận tải phải thông tin đầy đủ kết quả, nhưng thực tế, tỷ lệ DN gửi kết quả đến Sở chỉ chiếm khoảng 10% trên tổng số DN có đăng ký kinh doanh vận tải. Cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực này ở thành phố cũng chưa có biện pháp chế tài xử lý DN không tuân thủ yêu cầu này, chủ yếu vẫn là nhắc nhở.

Nhiều DN kinh doanh vận tải chia sẻ, DN luôn xem lái xe là yếu tố quan trọng hàng đầu bởi họ sử dụng tài sản của DN hàng tỷ đồng cho nên không thể không chú ý trong khâu tuyển dụng. Tuy nhiên, hiện nay DN chỉ biết nhìn vào hồ sơ do lái xe cung cấp, thiếu cơ sở thông tin dữ liệu của họ để tham khảo. Vì vậy, các cơ quan chức năng của thành phố, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông cần lập trang thông tin điện tử để công khai danh tính những trường hợp lái xe vi phạm khi tham gia giao thông, đồng thời kết nối dữ liệu này đến các cơ quan chức năng và DN để người tuyển dụng có điều kiện truy cập, tham khảo thông tin một cách công khai, minh bạch. Chặt chẽ hơn, những thông tin về lái xe (gồm ngày tuyển dụng, hình thức hợp đồng, bằng lái xe, các vi phạm quy định về ATGT và kết quả xử lý vi phạm…) cần được thành phố kết nối vào phần mềm của Cục Quản lý đường bộ (Bộ Giao thông vận tải), Bộ Công an vì đây là kênh thông tin quan trọng để DN vận tải tham khảo trong quá trình tuyển dụng, sử dụng lái xe cũng như phục vụ công tác cứu hộ, điều tra của các cơ quan thực thi pháp luật.

Để công tác kiểm tra và xử phạt liên ngành đạt được hiệu quả, các đơn vị chức năng thành phố cần phối hợp đồng bộ, nhất là trong công tác quản lý và hậu kiểm người vi phạm. Có như vậy mới bảo đảm tính răn đe, hạn chế thấp nhất hành vi vi phạm về ATGT đường bộ.