“Bệ phóng” để thành phố phát triển nhanh, bền vững

Việc Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh được nhiều chuyên gia đánh giá chính là “bệ phóng” để thành phố mang tên Bác phát triển nhanh, bền vững hơn; người dân sẽ được phục vụ tốt nhất.

Hiểu một cách đơn giản, khi thực hiện chính quyền đô thị, cấp thành phố có HĐND và UBND, còn quận và phường chỉ còn UBND mà không có HĐND. Mô hình chính quyền đô thị sẽ giảm bớt chia cắt không gian phát triển đô thị, đồng thời tạo thuận lợi hơn trong vấn đề quản lý nhà nước, kể cả vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản, trật tự xã hội, giao thông, kinh tế… Cơ chế chính quyền đô thị sẽ tác động tích cực, tạo ra tính đột phá trong phát triển bởi sẽ làm giảm cấp trung gian, khắc phục sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ. Từ đó giúp tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, tiết kiệm ngân sách, phát huy được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính năng động của người đứng đầu tại cơ quan hành chính cấp quận và cấp phường.

Khi thực hiện chính quyền đô thị, các quyết định từ HĐND và UBND thành phố sẽ được trực tiếp chuyển xuống UBND quận, phường mà không phải qua một tầng nấc trung gian là HĐND quận, phường. Vì vậy, các quyết định này sẽ đến với người dân, doanh nghiệp kịp thời, nhanh chóng và đồng bộ. Đối với các chủ trương về đầu tư, ngân sách, thủ tục hành chính... sẽ do HĐND, UBND thành phố quyết định rồi chuyển cho UBND quận, phường thực hiện, bảo đảm tính xuyên suốt, kịp thời. Việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh sẽ bảo đảm tạo được sự năng động, chủ động cho thành phố đổi mới cơ chế, phương thức quản lý chính quyền, phù hợp với tính chất, đặc điểm của một đô thị đặc biệt.

Khi không tổ chức HĐND ở cấp quận và cấp phường, thì chức năng, quyền giám sát được giao cho HĐND thành phố, các đại biểu HĐND thành phố. Cơ chế giám sát còn có sự giám sát của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, cùng với sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Việc thực hiện dân chủ trực tiếp sẽ được tăng cường, như xin ý kiến người dân đối với những vấn đề quan trọng; tăng cường trách nhiệm giải trình, đối thoại, tiếp dân của người đứng đầu cơ quan chính quyền các cấp với người dân. Nói cách khác, khi không tổ chức HĐND cấp quận, phường, vai trò giám sát, bảo đảm quyền lợi của người dân sẽ được đặt lên vai các đại biểu HĐND thành phố…

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, không phụ niềm tin của nhân dân, trước hết, HĐND thành phố phải luôn đổi mới, nỗ lực cải tổ hoạt động để đáp ứng kỳ vọng của cử tri. Các đại biểu HĐND thành phố phải gần dân, sát dân hơn nữa để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Để thông tin phản ánh của người dân đến một cách nhanh nhất, HĐND thành phố phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập đường dây nóng, tăng tần suất tiếp xúc và lập kênh thông tin để người dân tương tác với đại biểu, với chính quyền nhằm góp phần xử lý công việc nhanh chóng và hiệu quả. Khi kiến nghị của cử tri gặp trắc trở, HĐND thành phố cần giám sát, lên tiếng với UBND quận, phường để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân…