Dân biết - Dân bàn

Ðẩy mạnh công tác chống buôn lậu

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, hoạt động buôn lậu đã bắt đầu bước vào thời điểm nóng khi Tết Nguyên đán càng đến gần. Thống kê của ngành hải quan TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong chín tháng đầu năm nay, lực lượng hải quan thành phố đã xử lý 990 vụ vi phạm pháp luật về hải quan; trong đó có năm vụ lớn (xuất khẩu trái phép hàng hóa và nhập khẩu hàng cấm) được chuyển qua cơ quan công an để tiến hành khởi tố hình sự, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính lên đến gần 1.500 tỷ đồng.

Còn chỉ riêng trong quý II và quý III năm 2019, lực lượng quản lý thị trường thành phố và bốn tỉnh giáp ranh đã xử lý 5.236 vụ vi phạm về hàng hóa, chủ yếu là buôn lậu; thu nộp ngân sách nhà nước gần 96 tỷ đồng. Trong bảy tháng đầu năm nay, Cục Quản lý thị trường thành phố cũng đã chuyển công an thành phố để tiến hành khởi tố hình sự 11 vụ án.

Do là đô thị và trung tâm kinh tế lớn nhất nước nên TP Hồ Chí Minh trở thành nơi hoạt động buôn lậu diễn ra cực kỳ phức tạp, nhất là những tháng gần Tết Nguyên đán. Thành phố vừa là địa bàn trung chuyển vừa là thị trường tiêu thụ các loại hàng hóa nhập lậu với khối lượng và số lượng rất lớn. Chính vì nguồn lợi bất chính từ hoạt động buôn lậu quá lớn, nên các đối tượng buôn lậu đã sử dụng rất nhiều thủ đoạn tinh vi để có thể "qua mặt" các lực lượng chức năng. Một trong những thủ đoạn mà các đối tượng nhập lậu đường sử dụng phổ biến là thực hiện các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn, đóng gói; sau công đoạn đóng bao mới, đường nhập lậu sẽ biến thành đường nội địa.

Hàng hóa nhập lậu gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính; gây thất thu ngân sách. Ðồng thời, hàng lậu còn tiềm ẩn nguy cơ lớn tổn hại sức khỏe lẫn kinh tế đối với người tiêu dùng. Vì vậy, người dân mong muốn các cơ quan và lực lượng chức năng xử lý nghiêm khắc hơn nữa các đối tượng buôn lậu, loại trừ "vùng cấm" trong xử lý vi phạm, nhất là hành vi buôn lậu những sản phẩm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu; xem xét, đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành tăng mức xử phạt vi phạm hành chính để tăng mức độ răn đe. Ðồng thời, cần xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu. Bên cạnh đó, cần xem xét tăng mức hỗ trợ, khen thưởng cho người dân cung cấp thông tin, tố giác về buôn lậu và cho lực lượng chức năng chống buôn lậu sao cho hợp lý để khuyến khích, động viên tinh thần trách nhiệm. Ngoài ra, cần chủ động phối hợp và hợp tác giữa các địa phương để công tác chống buôn lậu đạt hiệu quả cao nhất.