Ðẩy mạnh cải cách hành chính

Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình cải cách hành chính (CCHC) và giải pháp nâng cao Chỉ số CCHC trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2025.

Mục tiêu cụ thể mà thành phố đề ra là phấn đấu đưa Chỉ số CCHC của thành phố trong giai đoạn 2020 - 2025 thuộc nhóm năm địa phương dẫn đầu cả nước; có 90% sở, ngành, UBND thành phố Thủ Ðức và các quận, huyện (gọi tắt là UBND thành phố Thủ Ðức, quận, huyện) được đánh giá Chỉ số CCHC đạt từ loại tốt trở lên. Ðồng thời, hoàn thiện tổ chức chính quyền đô thị và tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan thuộc UBND thành phố và các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp với đặc điểm của thành phố; gắn công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước với tham mưu phân cấp, ủy quyền, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử; đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy trong từng nội bộ cơ quan, đơn vị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, chú trọng cải cách tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Về tỷ lệ khảo sát ý kiến hài lòng, thành phố phấn đấu đến năm 2025, mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên. Hơn 60% thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Tất cả văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trên mạng điện tử trừ các văn bản thực hiện theo chế độ "mật". 100% các sở, ngành, UBND thành phố Thủ Ðức, quận, huyện ứng dụng thanh toán điện tử trong giải quyết TTHC...

Ðể thực hiện mục tiêu trên, thành phố tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý công tác CCHC, duy trì, phát triển và sử dụng có hiệu quả Hệ thống quản lý công tác CCHC thành phố đến phường, xã, thị trấn, kết nối với hệ thống dữ liệu dùng chung của thành phố. Song song đó, thành phố tập trung phát triển hạ tầng in-tơ-nét vạn vật (IoT), xây dựng lộ trình và triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu như giao thông, môi trường, năng lượng, điện, nước... để chuyển đổi thành một bộ phận cấu thành quan trọng của hạ tầng số. Ðến năm 2025, xây dựng hạ tầng IoT bao gồm cảm biến IoT theo các lĩnh vực khác nhau phục vụ nhu cầu về quản lý và phát triển đô thị. Cùng với đó, thành phố chú trọng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức ở các bộ phận liên quan đến giải quyết TTHC để thực hiện tốt nhiệm vụ trong bối cảnh công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.

Nhiều năm qua, với việc quan tâm, đầu tư, chỉ đạo sát sao của thành phố, công tác CCHC đã đạt được những kết quả quan trọng. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính không ngừng tăng lên qua từng năm. Tuy nhiên, thành phố vẫn không ngừng nỗ lực tìm các giải pháp, mô hình mới để triển khai mạnh mẽ hơn nữa CCHC, TTHC, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Ðồng thời, xem đây là chìa khóa, tiền đề để tăng cường sự phục vụ và nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy sức mạnh của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp chung sức xây dựng thành phố phát triển nhanh, bền vững.

DUY KHÁNH