Ám ảnh tiếng ồn

Một bạn đọc ở quận Bình Thạnh cho biết, suốt kỳ nghỉ Tết vừa qua, cứ đến tầm 11, 12 giờ, nhà hàng xóm lại xập xình tiếng nhạc đến tận chiều. Có hôm hăng quá, họ hát đến tận tối mặc cho hàng xóm đã nhắc khéo nhiều lần. Ban đầu, những người này mở nhạc sôi động để nghe trong khi "chén chú chén anh", sau khi ngấm hơi men, họ mở loa hết cỡ, thi nhau hát hò đủ loại nhạc với giọng lè nhè. Với chiếc điện thoại thông minh trên tay, loa di động ầm ầm, những bài hát vui nhộn trở thành nỗi ám ảnh của láng giềng.

Thực tế cũng cho thấy, không chỉ dịp Tết và cũng không riêng ở Bình Thạnh, nhiều nơi trên địa bàn thành phố, cứ cuối tuần, ngày nghỉ, tiếng ka-ra-ô-kê lại ầm ầm, chát chúa vang lên. Không ít người, thay vì được thoải mái nghỉ ngơi tại nhà lại phải sang nhà bà con, bạn bè tá túc vì bị hàng xóm liên tục hát ka-ra-ô-kê làm phiền.
 
 Từ ngày loa di động xuất hiện với giá rẻ, nhiều người thường xuyên bị làm phiền bởi tiếng ồn trong các khu dân cư. Chính sự quá đà của một bộ phận không nhỏ cư dân đã tạo nên một loại trào lưu “độc hại” mới: Hát hò bất kể thời gian và không gian, điều mà người lịch sự không bao giờ mắc phải. Cũng chính vì bị làm phiền liên tục dẫn đến ức chế mà nhiều người đã phản ứng dữ dội. Không ít vụ cãi vã, ẩu đả gây thương tích, thậm chí dẫn tới án mạng, đã xảy ra mà nguyên nhân bắt đầu cũng từ sự gây phiền và bị làm phiền từ việc hát ka-ra-ô-kê quá mức…
 
 Một bạn đọc khác cũng ở quận Bình Thạnh cho biết, nhà chị ở dọc bờ sông rất đẹp, thế nhưng thay vì được dạo mát bờ kè ngắm cảnh mỗi tối, gia đình chị và nhiều hàng xóm lại phải sống chung với các loại tiếng ồn từ “đội quân” bán kẹo kéo, kẹo cao-su, bánh ngọt… Tầm sau 19 giờ, khi những chiếc xe máy có thùng loa di động xuất hiện, người bán đứng trước các quán nhậu, quán ăn, quán nước vô tư hát. Kèm theo là mớ âm thanh hỗn độn từ chiếc loa rè rè bật hết công suất. Đó thật sự là nỗi ám ảnh của nhiều người.
 
 Hiện, mức xử phạt đối với hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn đã có nhưng dường như chưa đủ răn đe. Tại điểm a, khoản 1, Điều 6 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình” quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau. Nhiều người cho rằng, mức xử phạt còn quá nhẹ và khung giờ xử phạt còn quá ngắn.
 
 Điều 17, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường” đưa ra các mức phạt khá cao (một triệu đến 160 triệu đồng) liên quan hành vi gây tiếng ồn ảnh hưởng khu dân cư. Tuy nhiên, để đo được mức độ ô nhiễm tiếng ồn là việc không hề đơn giản. Thực tế, nhiều người dân dù rất mệt mỏi với tình trạng ô nhiễm tiếng ồn nhưng chỉ biết thở dài chịu trận…
 
 Rõ ràng, việc liên tục bị làm phiền bởi tiếng ồn, nhất là từ các dàn ka-ra-ô-kê di động, đã làm giảm chất lượng cuộc sống của không ít người dân. Do đó, cần tăng các chế tài xử lý, điều chỉnh mức phạt sát thực tế hơn. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là ý thức cá nhân. Mỗi người cần biết đâu là điểm dừng. Đừng để một loại hình giải trí vốn lành mạnh trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người.