Công hay kên đều có cánh

NDO - Hồi kháng chiến chống Pháp, ở Nam Bộ có ba chiến khu: 7 - 8 - 9. Khu 7 có khó khăn về thực phẩm nhưng lại tiện lợi là có cây rừng che chắn, hầm hố dễ đào. Ở khu 8 và khu 9 thì ngược lại. Năm 1949 - 1950, Pháp phong tỏa gắt gao các đường đầu mối từ chợ vào chiến khu, mục đích ngăn chặn lưu thông lương thực, thực phẩm của ta.

Do vậy, có lúc hằng tháng trời, anh em chúng tôi không có một hạt muối. Công bằng mà nói, thỉnh thoảng chúng tôi cũng được món thịt rừng ăn mệt nghỉ. Sống xa dân lại thiếu chất đạm triền miên, hễ bắt được con gì là chúng tôi nướng ngay.

Một hôm, anh Thành trong đơn vị vác súng về, hai bên treo tòn teng hai con chim rừng khá lớn (mỗi con trên dưới một kg đã thui trụi lông và mất đầu). Anh Thành bảo: 'Các cậu ơi, hai con công này cải thiện được một bữa ra trò đây. Có điều phải cho sả, ớt thật nhiều kẻo hôi lông lắm. Bữa ăn hôm đó thật ngon lành. Tuy nhiên, cũng có một vài người dè dặt phát biểu: 'Sả ớt quá trời, mà ăn sao cũng hơi... hôi hôi'.

Sinh hoạt buổi tối xong, Kh. tay háu ăn nhất đơn vị bảo Thành: 'Sau này, nếu có bắn được thì cứ đem về tuốt chớ đừng chặt đầu thì uổng lắm nghe?'.

Lúc đó Thành mới nói thật: 'Tao đâu có xài sang vậy? Sở dĩ tao chặt bỏ đầu vì... nó là con kên kên'. Có một số anh em kêu trời, riêng Kh. cứ tỉnh bơ như không: 'Ôi dào, công hay kên đều có cánh, miễn có ít đạm là được rồi'.