Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng:

Tôi thấy mình giống người nông dân trên đồng ruộng

Tranh của anh được trưng bày tại các hội chợ nghệ thuật ở Hong Kong và Xin-ga-po, có trong các bộ sưu tập tư nhân ở Anh, Pháp, Mỹ, Ðức, Ðài Loan (Trung Quốc)… họa sĩ Nguyễn Thế Hùng tiếp tục thể hiện sự đa dạng trong đề tài sáng tác cũng như sự phá cách trong việc xử lý chất liệu sơn mài với triển lãm "Vùng nhiều mây" tại Hanoi Studio 13 Tràng Tiền.

Tôi thấy mình giống người nông dân trên đồng ruộng

Giấu mình trong thế giới của "chấm" và "mây"

- Ðối với anh, hội họa có vị trí như thế nào trong cuộc sống?

- Nếu cuộc sống của người nông dân làm việc trên đồng ruộng với cây trái thì hội họa với tôi cũng như hạt lúa, trái ngọt vậy. Tôi cũng giống như những người dân lao động ấy mà thôi.

- Ngắm tranh của anh thấy có nhiều chi tiết mỹ thuật dân gian, phải chăng quá trình lớn lên và sống ở miền núi khiến anh quan sát và đưa vào tác phẩm của mình những yếu tố đó?

- Tôi chỉ đơn giản đưa những gì mình quan sát được (trong cuộc sống và trong ký ức của mình) vào trong tác phẩm, nó là những họa tiết hoa văn trên trang phục người dân tộc, những điêu khắc cổ ở đình chùa…

Tôi thấy mình giống người nông dân trên đồng ruộng ảnh 1

Những đám mây mùa xuân - sơn mài trên vải.

- Ðặc biệt, những đám mây xuất hiện xuyên suốt và gần như là biểu tượng chủ đạo trong series tranh này của anh, điều gì khiến anh chọn chúng để thể hiện trong tác phẩm của mình?

- Tôi đã từng đưa hình ảnh mây vào tranh mình từ khoảng hơn 10 năm rồi. Hồi nhỏ, tôi cũng như nhiều đứa trẻ khác, thường hay nhìn lên trời, ngắm những đám mây và tưởng tượng ra chúng với bao nhiêu hình thù khác nhau, thế giới ở xa xôi cao xanh kia, là một thế giới mà chúng ta có thể tha hồ tưởng tượng tùy thích. Chẳng biết từ lúc nào, tôi đã xây cho mình một thế giới, ở đó mình không còn là người ngắm mây nữa, mà đóng vai trò khác: quan sát những đám mây. Khi quan sát đủ kỹ bạn có thể nhận thấy rằng những đám mây liên quan chặt chẽ đối với đời sống con người, ví như không có những đám mây thì sẽ không có mưa mà không có mưa thì làm sao cây cối có thể sống được, cây cối không sống được thì bạn nghĩ có sự sống không?

- Không chỉ vậy, thế giới "chấm" như một sự nhẩn nha, tỉ mỉ, từng chút một giữa thế giới bộn bề, chúng có ý nghĩa gì khác ngoài tính trang trí?

- Trong thế giới "chấm" của tôi, tôi coi đó là những hạt, những nhân, những ký ức hoặc những tương lai, chúng không khác biệt nhau, chúng không tách rời khỏi nhau. Có thể coi tôi cất giấu mình trong những chấm ấy, và bạn cũng có thể tìm thấy bạn trong những chấm ấy!

- Trong loạt tranh này, anh sử dụng chất liệu gì, và việc sử dụng chất liệu này đem lại cho anh những xúc cảm mới như nào trong việc thể hiện ý tưởng của mình?

- "Vùng nhiều mây" là một trải nghiệm mới của tôi: Sơn mài trên vải. Tôi đã từng tìm hiểu và thử nghiệm nhiều loại ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau, từ trình diễn, sắp đặt cho đến đồ họa, hội họa. Mỗi chất liệu có những đặc điểm, vẻ đẹp và ngôn ngữ riêng. Tôi luôn muốn tìm tòi và khám phá nhiều loại chất liệu tạo hình khác nhau để làm giàu vốn kiến thức của mình. Tôi muốn theo đuổi những chất liệu dân gian, thể nghiệm nó trên cái nhìn đương đại và ứng dụng những phát triển của công nghệ, chất liệu mới vào trong sáng tác.

Cách đây khoảng 10 năm, chất liệu Nho mài đem lại cho tôi rất nhiều cảm hứng. Sau đó, tôi chuyển sang vẽ trên giấy dó, kết hợp giữa mầu nước, mầu poster, giấy báo, vàng lá... để thể hiện, bạn có thể thấy điều ấy trong series "Và hoa đã mưa xuống", "Những bông hoa nhỏ". Tiếp đến tôi phát triển sang hướng sử dụng acrylic, vàng lá trên giấy dó bồi lên vải, với cách thể hiện hoàn toàn khác, tôi khai thác đặc điểm của sơn acrylic và thế mạnh của vàng lá, đặc biệt sử dụng trên nền giấy dó cho những hiệu ứng rất khác biệt, bạn có thể tham khảo những series pin up như "Please, handed with care", "Miss charming"…

Có thể nói, với mỗi chất liệu, tôi lại tìm thấy những độc đáo riêng và cảm thấy sự khám phá, sáng tạo như vô tận thôi thúc tôi làm nữa, làm mãi. Ðối với bản thân tôi, chất liệu nào cũng có những cái khó, chinh phục nó, tìm ra những ưu điểm của nó, khai thác nó theo nhiều kiểu chính là sở thích và niềm vui của tôi.

- Cảm giác anh sáng tác khá ổn định? Ðiều gì khiến cho anh giữ được "phong độ" như vậy?

- Tôi làm việc như một người lao động bình thường. Tôi không coi sáng tác là một công việc mà là một phần trong cuộc sống của tôi giống như khi tôi thở, uống nước, ăn cơm… Cũng có thể khi tôi vẽ là lúc tôi thư giãn, và hình như tôi thư giãn khá nhiều.

Tạo sự đồng cảm bằng tình yêu nghệ thuật

- Anh có phải là nghệ sĩ bán được tranh không?

- Tôi không biết các họa sĩ khác bán tranh như thế nào nên không biết mình có thuộc nhóm bán được tranh hay không. Mỗi một tác phẩm tôi làm lên, là một phần thế giới của tôi, mỗi phần ấy được bán đi, được yêu thích, đều rất quan trọng đối với tôi. Ðối với nghệ sĩ, được chia sẻ, được đồng cảm và được yêu mến là điều vô cùng quan trọng. Công việc của tôi là làm ra cái đẹp, mang những cái đẹp ấy đến với công chúng, tôi tin rằng khi mình làm việc nghiêm túc bằng tình yêu của mình với công việc đó thì chẳng chóng thì chày nó sẽ có sự đồng cảm của tình yêu khác. Ðược nhiều người quan tâm thì chắc chắn sẽ thích hơn là ít người rồi, nhưng đó không phải là tất cả!

- Giải pháp nào khi anh "bế tắc" trong sáng tác? Liệu việc sáng tác không nên chờ vào cảm hứng, mà là một thứ buộc phải làm hằng ngày, anh chọn hướng nào?

- Khi mình nghĩ là mình cần lý do, mình cần động lực để làm… thì mình đã tạo ra áp lực rồi. Tôi không gặp áp lực khi vẽ vì nó là một phần cuộc sống của tôi, như hít thở, tưới cây, uống nước… Cũng có lúc gặp khó khăn trong sáng tác, tôi dừng lại, tạm gác công việc ấy lại và làm việc khác. Tôi có những tác phẩm vẽ trong gần 10 năm, có những tác phẩm còn nhiều thời gian hơn. Có những bức tranh của tôi bên dưới nó là 5, 6 bức tranh khác. Chỉ đơn giản là mình không từ bỏ, mà là tạm gác lại, để tìm cách đi khác thôi. Với lại điểm mạnh của tôi là "tự làm mình mất tập trung" cơ mà. Ðiều này cũng làm tôi chưa thấy bế tắc trong công việc của mình, ít ra là cho đến thời điểm này!

- Ðể tạo được dấu ấn riêng của mình, hẳn là không đơn giản?

- Sáng tác là công việc nghiêm túc, tôi không làm việc theo bản năng - Tôi không vẽ tranh mà tôi xây dựng nên bức tranh! Suy nghĩ, tìm tòi, khám phá, thử nghiệm để tìm ra cái riêng, tìm ra hướng đi cho mình chưa bao giờ là việc dễ dàng. Nghe thì có vẻ mâu thuẫn với việc thiền và thư giãn, nhưng thực ra lại là không. Thái độ nghiêm túc làm việc và tinh thần làm việc là hai việc hoàn toàn khác nhau. Bạn có thấy một người làm việc thư thái, chậm rãi với một người làm việc lề mề có giống nhau không?

- Chân thành cảm ơn những chia sẻ của anh!

Nguyễn Thế Hùng (sinh năm 1981) đã tốt nghiệp Ðại học Mỹ thuật Việt Nam, năm 2009. Họa sĩ từng triển lãm cá nhân tại Hà Nội, Huế và TP Hồ Chí Minh. Họa sĩ sống và làm việc tại Hà Nội.

Trong triển lãm "Vùng nhiều mây", với 28 tác phẩm được anh sáng tác trong khoảng ba năm, họa sĩ đã mang đến những cảm nhận mới lạ của sơn mài trên vải bố, kết hợp giữa mầu son đỏ đầy quyến rũ với sự lấp lánh của quỳ vàng và ánh kim của bạc làm cho không gian trong tranh trở nên lộng lẫy và ảo diệu.